Tiền nhàn rỗi nên đầu tư vào đâu?

(Kinhdoanhnet) - Người dân đang hướng tiền nhàn rỗi đến bất động sản; vàng, ngoại tệ; gửi tiết kiệm và cả chứng khoán.

Năm 2014 được dự báo vẫn là một năm khó khăn của nền kinh tế. Hàng nghìn DN đã "ngắc ngoải" trong những năm trước có thể sẽ phải chấp nhận tình trạng bi đát hơn. Do đó, quyết định đầu tư kinh doanh trong năm nay sẽ khá dè dặt.

Nhiều người chọn biện pháp gửi tiết kiệm

Những năm trước, lãi suất huy động có thời điểm lên tới 18-19%/năm, tạo nên cuộc chạy đua "ngầm" về lãi suất khi các ngân hàng thương mại đều muốn hút khách gửi tiền. Với khách hàng gửi tiền, nếu có từ vài trăm triệu, hoặc cao hơn là tiền tỷ sẽ được "lôi kéo" với đủ hình thức, từ việc thưởng "nóng" đến cộng lãi suất vào sổ tiết kiệm, mở tài khoản để trả lãi suất cộng thêm… Cũng dễ lý giải cho hiện tượng này khi ngân hàng quá "khát" vốn vì nhu cầu vay tăng cao trong thời điểm đó, nên họ phải huy động bằng mọi giá.

Tiền nhàn rỗi nên đầu tư vào đâu? - Ảnh 1

Còn hiện nay, bất chấp lãi suất huy động hiện chỉ quanh ngưỡng 7%/năm, thậm chí thấp hơn, nhưng gửi tiết kiệm vẫn được coi là kênh ưu tiên đối với nhiều người vì sự an toàn. Không ồ ạt đi gửi tiết kiệm thời điểm đầu năm, nhưng lượng người chọn ngân hàng là nơi trú chân của đồng tiền nhàn rỗi khá nhiều.

Nhiều ngân hàng để sẵn sàng nguồn vốn đón đầu thời điểm tới, họ vẫn triển khai các chương trình tiết kiệm hấp dẫn. Không chỉ những ngân hàng lớn, hàng loạt ngân hàng cổ phần quy mô trung bình và nhỏ cũng đưa ra các sản phẩm thu hút vốn huy động, kèm theo chương trình quay số trúng thưởng, với nhiều giải thưởng giá trị để hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân, cũng như DN.

Khi người dân quyết định chọn gửi tiền vào ngân hàng, nên xem xét tiêu chí uy tín rồi mới đến lãi suất. Nhiều ngân hàng nhỏ có thể mời chào một mức lãi suất hấp dẫn nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khi thị trường biến động. Thêm nữa, đừng bao giờ gửi tất cả tiền vào một sổ tiết kiệm mà nên chia làm hai sổ: một sổ với kỳ hạn lâu dài (1-2 năm) để hưởng được mức lãi suất cố định, sổ còn lại kỳ hạn ngắn (khoảng 7 tháng) để dự phòng rủi ro.

Đầu tư chứng khoán

Nửa đầu năm, TTCK đã có chuỗi dài phiên tăng điểm. Đặc biệt, thanh khoản của thị trường tăng mạnh. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, bên cạnh dòng tiền từ khu vực dân cư, thì trong lượng kiều hồi khoảng 2 tỷ USD chuyển về nước, chắc chắn sẽ có phần đi vào TTCK.

Chủ tịch HĐQT một NHTM cổ phần nhận định, TTCK đang thu hút dòng tiền đầu tư, bởi lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm xuống rất nhiều, vàng không còn “lấp lánh” nữa. Hơn thế, TTCK khởi sắc hơn cũng được hỗ trợ bởi các thông tin như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, công cuộc cổ phần hóa DN Nhà nước đang được Chính phủ chỉ đạo một cách quyết liệt, nền kinh tế vĩ mô đang có những tín hiệu khởi sắc hơn.

Tuy nhiên, hãy luôn ghi tạc trong tâm trí việc lợi nhuận cao, rủi ro sẽ không ít và đây chính là lúc bạn thể hiện sự “Có gan làm giàu” của mình. Để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra, các nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp dự định mua cổ phiếu một cách kỹ lưỡng. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán mắc phải lỗi phổ biến là họ thường nuôi hi vọng cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại mỗi khi cổ phiếu rớt giá và thường chần chừ “cắt lỗ”. Hãy tự đặt ra một hạn ngạch rớt điểm cho phép (5-10% chẳng hạn). Một khi cổ phiếu đã rớt giá hơn mức cho phép, hãy dứt khoát quyết định và chỉ giữ lại những cổ phiếu đang tăng điểm.

Đầu tư vàng, ngoại tệ để tránh trượt giá

Nếu muốn những khoản tiền nhàn rỗi của mình không bị trượt giá theo thời gian, người dân sẽ đầu tư vào vàng, ngoại tệ. Tuy nhiên, cũng để tránh rủi ro thì không nên mua vàng bằng mọi giá khi giá vàng đang cao ngất ngưởng và biến động không ngừng. Ngoài ra cũng nên theo dõi tình hình giá vàng thế giới để đảm bảo sự chênh lệch giá không là quá lớn nhằm tránh tình trạng gặp phải giá ảo do hậu quả của việc thiếu vàng vật chất ngắn hạn. Khi kinh tế suy thoái, vàng/ngoại tệ luôn là kênh đầu tư được nhiều người gửi gắm.

Tiền nhàn rỗi nên đầu tư vào đâu? - Ảnh 2

Nếu tiền nhàn rỗi dồi dào, hãy đầu tư BĐS

Thị trường bất động sản đã ấm dần lên trong nửa đầu năm 2014. Đây là cơ hội tốt cho những người có nhu cầu mua nhà để ở. Nếu nguồn tiền nhàn rỗi thật sự dồi dào, người tiêu dùng vẫn có thể cân nhắc trích một phần để đầu tư vào bất động sản do tình hình càng khó khăn ít người giao dịch thì khả năng sẽ mua được “giá hời” là rất cao, nhưng nếu vốn ít thì việc đầu tư sẽ dễ gặp rủi ro.

Mặc dù đã có rất nhiều người giàu lên nhanh chóng khi chọn cho mình cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản nhưng nếu không chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả mọi thứ, sẽ khó thành công. Trong tình hình bất động sản không còn tình trạng “đóng băng” mà đã thành “hoá đá” như hiện nay, đây sẽ là kênh đầu tư không có lợi nhuận trong thời gian gần.

Nói chung, dù chọn kênh nào, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kĩ lưỡng, và không nên đổ hết dòng tiền của mình vào một mối. Tuỳ vào nhu cầu và nội lực tài chính cụ thể, người đầu tư sẽ biết rõ lựa chọn nào đáng được cân nhắc nhất.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục