Tín dụng bế tắc, tiền đồng vẫn đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt qua đợt giảm giá tiền đồng thêm 1% cùng đợt giảm lãi suất huy động vừa qua.
Cùng với đó, lãi suất cho vay ngoại tệ thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền đồng, nên các doanh nghiệp ra sức vay ngoại tệ.
Một doanh nghiệp ở TP.HCM cho biết công ty vay ngoại tệ ở ngân hàng (NH) với lãi suất (LS) 5%/năm, bằng một nửa mức 10% vay tiền đồng mà NH đưa ra. Một DN xuất khẩu hải sản ở Cần Thơ cũng "không mặn" vay VND vì lãi suất USD rẻ hơn rất nhiều.
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh tỉ giá một phần là do kỳ vọng tỉ giá tăng trên thị trường và một phần là nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng giải thích của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý. Tiến sĩ Lê Hồng Giang cũng đồng quan điểm khi chia sẻ trên blog cá nhân rằng việc giảm giá tiền đồng là phù hợp với lý do tiền đồng đang bị định giá quá cao.
Chính sách tiền đồng giảm giá có thể giúp cải thiện thương mại nhờ vào việc tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Vào thời điểm này năm trước, tỉ giá cũng được điều chỉnh tăng với biên độ tương tự. Sau 12 tháng, xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Theo Tổng cục Hải Quan, tính hết năm 2013, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,7%, trong khi nhập khẩu tăng 16,1% so với năm trước đó. Còn nếu tính trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 15,9% và 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính sách này nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng chưa chắc khối doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Bởi lẽ, phần lớn xuất khẩu năm 2013 đến từ sự đóng góp của khối ngoại, chứ không phải các doanh nghiệp nội. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của doanh nghiệp nội ở Việt Nam năm 2013 vẫn còn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (7,2% so với 1,5%, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan). Điều này đặt ra câu hỏi “Phải chăng khối ngoại đang được hưởng lợi nhiều hơn khối nội từ việc giảm giá tiền đồng?”.
Một điều quan trọng là dù tiền đồng giảm giá đi nữa, nhưng lại không có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện để được ngân hàng cho vay thêm. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23/5, tín dụng chỉ tăng 1,31% so với cuối năm ngoái. Khi tiền đồng giảm giá mà không có người vay, liệu việc giảm giá này có còn nhiều ý nghĩa? “Tiền đồng dù giảm giá nhưng cũng đâu có ai mua”, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), nhận xét.
Tính đến hết tháng 4, huy động tiền đồng tăng 3,5% so với đầu năm trong khi cho vay tiền đồng giảm 2,6%. Do đó thanh khoản tiền đồng của hệ thống NH tiếp tục được duy trì với tỷ lệ cho vay/tiền gửi từ 82,4% của cuối năm 2013 xuống còn 79,9% vào cuối tháng này.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào đầu tuần trước, lãi suất cho vay VND phổ biến đối với lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 - 8%/năm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường khoảng 9 - 10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5 - 12%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi LS cho vay USD phổ biến ở mức 3 - 7%/năm. Như vậy, lãi vay USD chỉ bằng 1/2 lãi vay VND.
Sự chênh lệch này khiến các DN tìm kiếm vay ngoại tệ. Giám đốc một NH tại TP.HCM thừa nhận tình trạng một số DN (xuất khẩu và có nguồn USD trả nợ) có VND mang gửi tiết kiệm với LS từ 6 - 7%/năm rồi thế chấp sổ này để vay USD khoảng 4 - 5%/năm, hưởng mức chênh lệch LS từ 2 - 3%. Một chuyên gia tài chính nhận xét do chênh lệch lãi vay giữa USD và VND quá cao nên DN muốn và tìm mọi cách vay USD là điều dễ hiểu.
Việc dồn sang vay USD thể hiện rõ qua báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG). Tính đến tháng 4, cho vay ngoại tệ đã tăng 7,2% so với đầu năm trong khi đầu vào giảm 9,1%. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 99,5% vào cuối tháng 4. Với con số này, UBGSTCQG cho rằng thanh khoản ngoại tệ chịu áp lực nhất định.
Còn theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, với tỷ lệ cho vay/huy động lên đến 99,5%, các NH đang đứng trước rủi ro về thanh khoản ngoại tệ. Các NH cần có nguồn để đảm bảo an toàn về thanh khoản ngoại tệ khi khách hàng gửi tiết kiệm rút tiền.
P.N.(Tổng hợp)