Hôm nay 23-7, giá đồng Bitcoin trên sàn Coinmarketcap tăng thêm 1,38% trong vòng 24 giờ qua, đạt mức 9.492,21 USD. Như vậy so với hôm qua, Bitcoin đã tăng thêm 122 USD.
Tiền ảo cũng tăng giá liên tục những ngày gần đây theo đà tăng của giá vàng - Ảnh: AFP
Các đồng tiền khác cũng đồng loạt đi lên như Ethereum tăng thêm 7,74% lên 263,06 USD, XRP tăng 2,1%, Bitcoin Cash tăng 3,77%, Litecoin tăng 2,55%…
Tại thị trường Việt Nam, giá Bitcoin cũng tăng theo. Trên sàn Remitano, giá bán Bitcoin ở mức hơn 219,8 triệu đồng ăn một Bitcoin, trong khi giá mua vào hơn 216,1 triệu đồng một Bitcoin.
Sau khi rớt xuống đáy 4.000 USD, giá Bitcoin đã hồi phục mạnh và từng vượt 10.000 USD vào năm 2019 rồi sau đó giảm lại.
Thời gian gần đây, cùng với sự đi lên của giá vàng thế giới và căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung, lo ngại làn sóng COVID-19 thứ 2 và nỗi lo mất giá của các đồng tiền khi chính phủ nhiều nước đồng loạt tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ, giá các đồng tiền ảo lại tăng trở lại.
Gần đây cùng với việc khởi sắc trở lại, tiền ảo cũng được quan tâm nhiều hơn.
Mới đây tổ chức thẻ quốc tế Mastercard đã tiếp cận với các công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa và khuyến khích họ trở thành thành viên của chương trình thẻ tiền mã hóa mới thông qua việc đơn giản hóa việc truy cập cho các nhà phát hành thẻ tiền mã hóa, cho phép người đăng ký được tham gia với tư cách là đối tác. Trong đó Wirex trở thành nền tảng tiền điện tử đầu tiên nhận được chứng nhận thành viên chính thức.
Lý do mà Mastercard nêu ra là ngày càng nhiều người quan tâm và đầu tư vào đồng tiền kỹ thuật số. Nghiên cứu cho thấy tại một số quốc gia, có tới 20% dân số đang nắm giữ tiền điện tử và số lượng các cơ sở kinh doanh, công ty số và tổ chức tài chính áp dụng phương thức thanh toán bằng tiền điện tử đang ngày một gia tăng.
Mặc dù đang tinh giản quyền truy cập vào chương trình của mình cho các công ty tiền mã hóa, Mastercard vẫn nhấn mạnh rằng tất cả các đối tác phải tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi như việc bảo vệ mạnh mẽ quyền riêng tư và bảo mật cho người tiêu dùng. Các hoạt động phải tuân thủ luật và quy định có liên quan, chẳng hạn như các quy tắc chống rửa tiền và thiết lập một sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên liên quan.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo để trình lên Chính phủ nhưng hiện nay khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo vẫn chưa hoàn thiện.
Theo A. Hồng/Tuổi trẻ