Giữa nghi vấn Asanzo là nhập hàng Trung Quốc về "phù phép" thành hàng Việt và được công nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), vài ngày trở lại đây, trên mạng xã hội cũng lan truyền với tốc độ chóng mặt một sản phẩm điện gia dụng của thương hiệu Sunhouse đang vướng nghi vấn về xuất xứ.
Cụ thể, bức ảnh gây tranh cãi là một chiếc nồi cơm điện thương hiệu Sunhouse đang bày bán tại quầy hàng của một siêu thị. Ngay bên dưới chiếc nồi này là một nhãn dán trên kệ, đề tên sản phẩm: "Nồi cơm điện n.liền SHD-8602", thương hiệu Sunhouse, xuất xứ Trung Quốc.
Hình ảnh được lan truyền trên mạng khi chiếc nồi cơm điện này có xuất xứ Trung Quốc nhưng được công nhận HVNCLC. (Ảnh chụp màn hình).
Ngay sau đó, phía Sunhouse khẳng định bức ảnh thực chất là sự hiểu nhầm, và không có chuyện chiếc nồi cơm điện Sunhouse có xuất xứ Trung Quốc.
Để tìm hiểu rõ hơn về các mặt hàng của Sunhouse trưng bày có ghi nguồn gốc từ đâu, PV đã có mặt tại siêu thị BigC Thăng Long ( một siêu thị mua sắm lớn tại Hà Nội). Theo khảo sát của PV tại siêu thị BigC Thăng Long, các sản phẩm bày bán tại đây của Tập đoàn Sunhouse đều ghi hàng việt nam chất lượng cao. Tuy nhiên, quan sát kỹ thấy các thông tin sản phẩm xuất xứ lại ghi là Trung Quốc.
Quạt làm mát không khí trưng bày tại Big C Thăng Long có xuất xứ tại Trung Quốc. Ảnh: Hà Phương
Bếp điện từ xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán tại siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Hà Phương.
Liên quan đến vụ việc, tại website của Tập đoàn Sunhouse có địa chỉ miền là http://sunhouse.com.vn có rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu Sunhouse nhưng lại được ghi xuất xứ từ Trung Quốc như: Quạt tích điện Sunhouse SHD7112; Nồi cơm điện 1.8l SUNHOUSE SHD8655G; Nồi cơm điện 1.8l Sunhouse SHD8665B; Nồi cơm điện tử 1.0l SUNHOUSE MAMA SHD8852B; Máy xay sinh tố SUNHOUSE SHD5111,...
Xuất xứ Trung Quốc được in rõ ràng trên bao bì sản phẩm. Ảnh: Hà Phương
Sản phẩm máy xay sinh tố SUNHOUSE SHD5111 có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng mang thương hiệu Sunhouse.
Câu chuyện doanh nghiệp nhập nhằng nguồn gốc xuất xứ sản phẩm không chỉ bây giờ mới xuất hiện. Bởi trước đó, vào cuối năm 2017, một khách hàng khi vào cửa hàng Khaisilk có địa chỉ tại 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) để mua khăn lụa thì tá hỏa phát hiện một sản phẩm vừa ghi "Khaisilk Made in Vietnam", lại vừa ghi "Made in China". Ngay sau đó, doanh nhân Hoàng Khải đã thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc với tỷ lệ hàng Trung Quốc/hàng Việt Nam là 50/50. Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua, vụ việc nghiêm trọng này đến nay vẫn còn là điều bí ẩn, và có dấu hiệu chìm xuồng?
Và giờ lại xuất hiện nhiều sản phẩm của một thương hiệu lớn mang tên Tập đoàn Sunhouse đang bày bán hàng tràn lan hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng lại ghi hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Với sologan " SUNHOUSE - thương hiệu của niềm tin", liệu tương lai người tiêu dùng có còn đặt trọn niềm tin vào "hàng Việt Nam chất lượng cao" của Shark Phú đã tạo dựng nhiều năm?
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.
Hà Phương