Thực trạng nghỉ việc ở các ngân hàng.
Trong khi xã hội vẫn nhìn ngành ngân hàng bằng con mắt ngưỡng mộ với công việc ngồi máy lạnh, đếm tiền, nhận lương khủng vài chục triệu mỗi tháng thì nhiều nhân viên ngân hàng đã phải "chấp nhận ra đi" vì không chịu được áp lực trong công việc.
Trong khi nhiều ngân hàng liên tục mở rộng quy mô và tuyển thêm lượng lớn nhân viên thì có những ngân hàng lại xuất hiện tình trạng nhiều nhân viên nghỉ việc. Thậm chí, có nhà băng cắt giảm gần 2.000 nhân viên chỉ sau nửa năm.
Tính đến cuối quý I/2019, riêng ngân hàng BIDV có 23.274 nhân viên, giảm 108 người so với cùng kỳ. Trong khi đó, SHB hiện có 5.500 nhân sự, giảm 161 người so với đầu năm. Tại VPBank, đến cuối tháng 6, tổng số nhân viên công tác tại ngân hàng mẹ là 9.480 người. So với đầu năm, số lượng nhân viên tại đây đã giảm 1.986 người. Tính riêng 3 tháng của quý II, số nhân viên tại nhà băng này đã giảm 1.466 người.
Vietinbank là ngân hàng cắt giảm nhiều nhân viên thứ 2 trong hệ thống ngân hàng sau 6 tháng đầu năm. Hiện có tổng cộng 22.164 nhân viên đang công tác lại ngân hàng mẹ Vietinbank.
Ngân hàng OCB cũng đã cắt giảm 294 nhân viên sau nửa năm, hiện còn 7.081 người. Đây cũng là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế giảm trong nửa đầu năm qua.
Tại ACB khi đã có 505 nhân viên nghỉ việc trong quý II/2019 khiến số nhân sự đến cuối tháng 6 còn lại 10.471 người. Tuy nhiên, tính trong 6 tháng, số nhân sự cắt giảm tại nhà băng này là 168 người.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận sụt giảm số lượng nhân viên như Eximbank giảm 55 người, Sacombank giảm 23 người, HDBank giảm 11 người…
Thu nhập thật sự của nhân viên ngân hàng?
Việt Nam đang có hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần, sự phân hóa thứ hạng của các nhà băng ngày càng rõ rệt, không chỉ thể hiện ở giá quy mô vốn, kết quả kinh doanh, tên tuổi thương hiệu,…mà ngay cả chuyện lương thưởng.
Tuy cùng ngành song thu nhập của một ngân hàng nhỏ còn không bằng 1/3 của ngân hàng lớn. Có lẽ sự thua thiệt về nhiều mặt đang khiến cho nhóm nhà băng nhỏ gặp nhiều khó khăn, trong đó có cả việc thu hút lao động, níu kéo nhân tài.
Chẳng hạn, trong dự thảo tài liệu họp cổ đông thường niên 2018 của Saigonbank, ngân hàng thừa nhận rằng "Hiện tại, thu nhập của CBNV Saigonbank đang thấp nhất trong hệ thống ngân hàng. Để giữ CBNV và thu hút nhân sự giỏi, trong năm 2018, Saigonbank sẽ trình Hội đồng quản trị áp dụng hệ thống thang bậc lương mới và có cơ chế khen thưởng phù hợp để kịp thời động viên đối với các đơn vị hoạt động có hiệu quả và có hình thức chế tài nghiêm khắc đối với các đơn vị hoạt động kém hiệu quả (trước mắt là chế tài ban lãnh đạo chi nhánh)".
Mỗi năm, các ngân hàng đều trích một khoản tiền trong chi phí hoạt động để chi trả lương, thưởng và trợ cấp cho nhân viên của mình. Khoản quỹ lương nhân viên này tại mỗi ngân hàng không cố định và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như số lượng nhân viên, năng suất và lợi nhuận trong năm của ngân hàng đó.
Thực tế, năng suất lao động tại các ngân hàng nhỏ thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng lớn. Trong khi đó, chi cho nhân viên vẫn là khoản chủ yếu trong chi phí hoạt động của các nhà băng nên việc tăng lương là điều không hề dễ vì sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng.
Ngoài ra, trong một báo cáo mới đây về nhân sự ngành ngân hàng của Navigos Group, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người e ngại làm việc tại ngân hàng chính là có độ rủi ro cao về pháp lý. Những năm gần đây, không thiếu những vụ cán bộ ngân hàng phải hầu tòa vì các vi phạm trong hoạt động cho vay và huy động tín dụng. Đối với nhân viên tín dụng, áp lực doanh số cho vay cũng luôn đè nặng cộng với nỗi sợ vướng vòng lao lý.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định làm cán bộ nhân viên ngân hàng, lương có thể cao hơn so với những người cùng kinh nghiệm ở các ngành nghề khác song trách nhiệm lại rất lớn.
Một số phản ánh của cộng đồng mạng (Ảnh chụp màn hình).
Lý do tiếp theo có thể kể đến là áp lực chỉ tiêu, chạy đua KPI đối với các ngân hàng hiện nay thực sự rất lớn. Không riêng gì các ngân hàng thương mại cổ phần mà ngay cả ngân hàng thương mại nhà nước cũng áp chỉ tiêu cho từng cán bộ nhân viên và không loại trừ một bộ phận nào, từ bộ phận kinh doanh cho đến bộ phận truyền thông, kỹ thuật, từ huy động vốn, cho vay cho tới đòi nợ, mở thẻ…
Vì vậy, việc một nhân viên cảm thấy quá áp lực, không theo kịp yêu cầu của ngân hàng và nghỉ việc là hoàn toàn dễ xảy ra.
Các chuyên gia ngân hàng chỉ ra rằng, việc thay đổi lãnh đạo ngân hàng liên tục, cho vay khó khăn, nợ xấu còn cao… cũng làm nản lòng cán bộ nhân viên và họ chủ động nghỉ việc.
Điển hình nhất là vụ hàng loạt nhân viên PGBank nghỉ việc vì thông tin sáp nhập mới đây. Cụ thể tổng số nhân sự nghỉ việc trong năm 2018 lên tới 385 người. Biến động này khiến số nhân sự đến cuối năm 2018 của PGBank giảm 108 người so với đầu năm, dù ngân hàng đã tuyển thêm.
Chính vì vậy, dù là nghề hot nhưng các ngân hàng hiện cũng đang gặp phải những thách thức lớn khiến nhân viên muốn nghỉ làm như mức lương chế độ đãi ngộ chưa cạnh tranh, áp lực công việc quá lớn và cả nỗi lo về pháp lý.
Hà Phương