Thua lỗ 3 năm liên tiếp, Vinafood 2 bị kiểm toán và xử lý các vấn đề tài chính

(Kinhdoanhnet) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), hoàn thành trước ngày 1/12/2016.

Ngày 26/9, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo về Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Thua lỗ 3 năm liên tiếp, Vinafood 2 bị kiểm toán và xử lý các vấn đề tài chính - Ảnh 1
Vinafood 2 bị kiểm toán và xử lý các vấn đề tài chính. Ảnh minh họa

Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam, hoàn thành trước ngày 1/12/2016.

Vinafood 2 được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2010. Vinafood 2 là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 liên tục xảy ra thua lỗ. Tổng công ty, ghi nhận năm thứ 3 lỗ liên tiếp.

Báo cáo của Vinafood 2 lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, doanh thu 2015 của Vinafood 2 đạt 22.750 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 26.300 tỷ đồng của năm 2014. Năm 2015, Tổng công ty lỗ khoảng 9 tỷ đồng, đưa tổng mức lỗ lũy kế khoảng 1.062 tỷ đồng. Trước đó, năm 2014, công ty này lỗ khoảng 907 tỷ đồng, còn năm 2013 lỗ 268 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Vinafood 2. 

Căn cứ vào đặc điểm và tình hình thực tế, Vinafood 2 chọn hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. 

Vốn điều lệ của Vinafood 2 - Công ty cổ phần dự kiến là 5.000 tỷ đồng, được chia thành 500 triệu cổ phần, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó, Vinafood 2 phát hành thêm gần 16,5 triệu cổ phần (gần 165 tỷ đồng) để bổ sung vào vốn điều lệ. 

Cũng theo phương án này, cổ đông Nhà nước sẽ nắm giữ 65% số cổ phần (tương đương 3.250 tỷ đồng), nhà đầu tư chiến lược trong nước là 25% (1.250 tỷ đồng), bán đấu giá cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài 8,95%. 

Phần còn lại, cổ đông sẽ là cán bộ công nhân viên, tổ chức Công đoàn Tổng công ty. Toàn bộ cổ phần tại thời điểm thành lập là cổ phần phổ thông. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan yêu cầu Tổng công ty Lương thực miền Nam khẩn trương xử lý các tồn tại trước đây; đề xuất, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Sớm hoàn thành việc thoái vốn và cổ phần hóa Tổng công ty theo đúng tiến độ, kế hoạch đã được duyệt.

Mai Anh (TH theo Vietnam+, VTC)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục