Đề xuất hộ kinh doanh phải dùng tài khoản ngân hàng riêng
Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về hồ sơ chính sách dự án luật Quản lý thuế (thay thế).
Góp ý vào hồ sơ, liên quan chính sách đổi mới phương pháp quản lý đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, UBND TP.Hà Nội đề xuất bổ sung quy định hộ kinh doanh bắt buộc phải đăng ký tài khoản ngân hàng/giao dịch điện tử phục vụ riêng cho hoạt động kinh doanh.
Theo UBND TP.Hà Nội, quy định này giúp minh bạch dòng tiền và thuận lợi cho công tác quản lý thuế. Việc áp dụng quy tắc tạo tài khoản giao dịch riêng phục vụ cho hoạt động kinh doanh giúp kiểm soát dòng tiền thuận tiện hơn.
Cùng với đó, UBND TP.Hà Nội đề xuất bổ sung quy định liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, tương tự như đăng ký doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế.
Đồng thời, sửa đổi nội dung quy định chi tiết về ngưỡng doanh thu của hộ kinh doanh phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thành: "Chính phủ quy định chi tiết điều này".
"Việc yêu cầu các hộ kinh doanh có ngưỡng doanh thu chịu thuế phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tại luật Quản lý thuế (thay thế) chưa phù hợp với việc xác định hoạt động kinh doanh thực tế của hộ kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế phát sinh những đổi mới", UBND TP.Hà Nội đánh giá.
Đề nghị bổ sung quy định về việc kê khai thuế
Theo quy định tại Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân: "Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/1/ 2026".
Do đó, UBND TP.Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định về việc kê khai thuế, tần suất kê khai, mẫu tờ khai đơn giản để hộ kinh doanh dễ thực hiện.
Góp ý vào nội dung đổi mới phương pháp quản lý đối với doanh nghiệp siêu nhỏ bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, tránh trường hợp gây sốc.
Người dân chưa đủ thời gian trang bị hiểu biết để thích nghi với tình hình mới, chưa kịp chuẩn bị các điều kiện về vật chất cho việc thực hiện, nhất là các đối tượng không có khả năng sử dụng công nghệ thông tin.
Do điều kiện kinh tế không đồng đều, nhiều nơi vẫn còn là kinh tế tự cấp, tự túc, do vậy cần có các trường hợp loại trừ để phù hợp với thực tiễn.
Trong khi đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, việc xóa bỏ thuế khoán đối với hộ và cá nhân kinh doanh từ ngày 1/1/2026 là cần thiết. Nhưng báo cáo đánh giá tác động cho thấy giai đoạn đầu triển khai (2025-2026) có thể gây quá tải hệ thống do hàng triệu hộ kinh doanh cùng chuyển đổi.
Chi phí tuân thủ theo quy định mới có thể dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng mỗi năm, đặt ra yêu cầu cấp thiết về các chính sách hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. Dự thảo hiện tại chưa đề cập đến các giải pháp khắc phục khó khăn này.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất xây dựng lộ trình thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 1-2) tập trung thí điểm, cung cấp phần mềm kế toán và hóa đơn điện tử miễn phí, đào tạo ghi chép sổ sách. Giai đoạn 2 (năm 2-4) mở rộng áp dụng bắt buộc với hộ có doanh thu cao, đi kèm ưu đãi thuế và hỗ trợ thuê kế toán. Giai đoạn 3 (năm 4-5) kết thúc hoàn toàn thuế khoán, tích hợp hộ kinh doanh vào hệ thống thuế quốc gia, đồng thời hỗ trợ tài chính, đào tạo và bảo hiểm xã hội cho hộ chuyển đổi chính thức.
Tiếp thu những góp ý trên, Bộ Tài chính cho biết ghi nhận để quy định tại giai đoạn xây dựng dự thảo luật.
Bộ Tài chính cho biết, dự thảo luật sẽ quy định mô hình quản lý thuế phù hợp với đặc thù của hộ kinh doanh để đảm bảo tính khả thi khi triển khai.
Vietnamfinance
In bài viết