Phát biểu tại thủ đô Berlin, bà Merkel cho rằng, việc tồn tại hai tốc độ tăng trưởng trong Eurozone không phải là vấn đề, do đó các thành viên Eurozone vẫn phải đi cùng nhau và thực hiện những gì đã thống nhất với nhau.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: Bloomberg)
Phát biểu của Thủ tướng Đức đã phủ nhận ý kiến của cấp dưới Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức hôm 8/2 rằng, Hy Lạp có thể sẽ phải rời Eurozone nếu nước này không đáp ứng được các yêu cầu của gói cứu trợ tài chính.
Trước đó, trên kênh truyền hình ARD của Đức, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Wolfgang Schäuble từng nói "Sức ép lên người Hy Lạp để thực hiện cải cách vẫn phải được duy trì, để họ trở nên cạnh tranh, nếu không họ không thể ở lại khu vực đồng tiền chung."
Khép lại năm 2016, Eurozone đã tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh với tổng sản phẩm quốc nội tăng mạnh nhất trong vòng hơn 5 năm trở lại đây. Theo dữ liệu khảo sát, hoạt động sản xuất đã dẫn đầu tốc độ tăng trưởng, trong đó sản lượng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2014. Hoạt động ngành dịch vụ cũng tăng ổn định, với tỷ lệ tăng đạt mức cao nhất trong vòng 11 tháng trong tháng 11/2016.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất được ghi nhận tại Tây Ban Nha và tiếp đó là Đức. Pháp cũng đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao kỷ lục trong vòng 1 năm rưỡi qua, song vẫn nằm dưới mức trung bình của Eurozone.
Các nhà sản xuất và các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đang được hưởng lợi khi đồng euro suy giảm - yếu tố vừa giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa vừa khuyến khích các hoạt động như du lịch và đi lại tới các nước Eurozone.
Mặc dù đã ghi nhận những cải thiện đáng kể, nhưng nền kinh tế châu Âu được cho là vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức, vấn đề chính đối với Eurozone hiện nay chính là sự chênh lệch năng lực cạnh tranh giữa các nước thành viên và hướng giải quyết vấn đề này là phải giúp các nước yếu mạnh lên.
Phương Anh (T/h)