Dự kiến có hơn 300 đại biểu tham dự, Hội nghị nhằm thảo luận, đưa ra những cái nhìn khách quan và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành được coi là xương sống cho sự phát triển công nghiệp cũng như nền kinh tế đất nước.
Đây được xem là sự kiện cuối cùng trong chuỗi các hội nghị chuyên đề được tổ chức trong năm nay để giải quyết các vấn đề then chốt, nóng bỏng đối với nền kinh tế Việt Nam, một “công xưởng lớn” của thế giới.
Theo Bộ Công Thương, thực trạng chung của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay là quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế: Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động.
Xác định vai trò của ngành này, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đi đến thực tiễn. Chẳng hạn, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam.
Được tổ chức vào một thời điểm mang tính bản lề, Hội nghị nói trên với những giải pháp, quyết sách mới được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có bước tiến rõ rệt trong thời gian tới, qua đó nâng cao năng lực ngành công nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị.
Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn