Thủ tướng bắt đầu dự Hội nghị Thượng đỉnh G20

Sáng 28/6 (giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố Osaka, Nhật Bản, với sự tham gia của các nguyên thủ, lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới.

Thủ tướng bắt đầu dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 - Ảnh 1
Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị G20

 

Hôm nay sẽ diễn ra 2 phiên thảo luận với chủ đề: Kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư, Đổi mới và sáng tạo. Ngày mai (29/6), trong phiên họp thứ 3 và thứ 4, Hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, năng lượng. Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ có những phiên thảo luận bên lề về một số vấn đề khác như kinh tế số, phụ nữ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ dự tất cả các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị của nhóm 20 nền kinh tế chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu. Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp gỡ, tiếp xúc song phương các nhà lãnh đạo dự Hội nghị.

Quy tụ lãnh đạo của các nền kinh tế hàng đầu và các thể chế kinh tế quốc tế quan trọng, những chủ thể được coi là trung tâm và động lực cho tăng trưởng thế giới sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề cấp bách đang tác động mạnh mẽ đến các quốc gia, nhằm đề ra giải pháp phát triển thịnh vượng và bền vững.

Trong những năm qua, G20 đã chuyển mình từ một diễn đàn hợp tác quốc tế và thảo luận chính sách quản lý khủng hoảng kinh tế thành một khuôn khổ mang tầm cỡ toàn cầu. Trọng trách ấy càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng sâu sắc, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp diễn... Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã mô tả nền kinh tế toàn cầu đang ở “thời điểm nhạy cảm” khi những chỉ số vẽ nên một bức tranh khá ảm đạm.

Trước thực tế đó, nước chủ nhà Nhật Bản đặt ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm nay. Các chủ đề chính không chỉ bao gồm việc loại bỏ các rào cản đối với tăng trưởng, cải cách hệ thống thương mại toàn cầu mà còn đặt ra mục tiêu thích ứng với cuộc cách mạng số, chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm rác thải nhựa, cải cách các chính sách việc làm phù hợp với tình trạng già hóa dân số, trao quyền cho phụ nữ trong lực lượng lao động, nâng cao chất lượng y tế, thúc đẩy phát triển bền vững.

Các hội nghị thượng đỉnh của G20 luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi tầm ảnh hưởng của những quyết sách được đưa ra. Diễn đàn đa phương này cũng là điểm sáng đối thoại quan trọng hiếm có, mở ra cơ hội trao đổi thẳng thắn, cởi mở và hiệu quả.

Đây là lần thứ tư Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời danh dự của nước chủ nhà. Tại các hội nghị trước đó, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm, đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN quan tâm.

Nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam được G20 ghi nhận trong các tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong nền kinh tế số… Những nỗ lực này đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

 

Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục