Thu phí nộp tiền mặt: Khó chấp nhận khi áp dụng đại trà

(Kinhdoanhnet) - Dù từ lâu các ngân hàng đã áp dụng thu phí cho một số giao dịch gửi tiền nhưng các chuyên gia khuyến cáo việc này chưa nên áp dụng đại trà mà chỉ nên áp dụng thu phí nộp tiền với Doanh nghiệp hoặc ngân hàng có thể bắt đầu thu phí khi số tiền nộp vượt qua một định mức nào đó.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt để lấy ý kiến đóng góp. Thông tư này quy định về phí dịch vụ tiền mặt, bao gồm cả phí nộp và rút tiền mặt tại NHNN, phí nộp và rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, khi nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, khách hàng phải chịu mức phí là 0,005% trên tổng giá trị tiền mặt nộp hoặc rút. Đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt cho khách hàng nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp vào tài khoản thanh toán và phải niêm yết công khai. TCTD được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút ra từ tài khoản thanh toán.

Thu phí nộp tiền mặt: Khó chấp nhận khi áp dụng đại trà - Ảnh 1

Thực tế, nếu khách hàng nộp tiền tại chi nhánh/tỉnh/thành phố mà mình mở tài khoản thì thông thường không mất tiền. Nhưng nếu nộp tiền tại điểm giao dịch khác tỉnh/thành phố với nơi mở tài khoản thì sẽ bị thu phí. Khảo sát tại một số ngân hàng, phí nộp tiền mặt khác tỉnh/thành phố của Ngân hàng Á Châu (ACB) là 0,03% số tiền, tối thiểu 15.000 đồng, tối đa 1.000.000 đồng; của Techcombank và Sacombank là 0,03% số tiền, tối thiểu 20.000 đồng, tối đa 1.000.000 đồng...

Tương tự, tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Quốc tế (VIB)..., nộp tiền mặt vào tài khoản mở khác tỉnh cũng mất 0,02%.

Các ngân hàng quốc doanh như Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (Vietinbank) - những đơn vị có thị phần khách hàng mở tài khoản thanh toán lớn trong hệ thống - cũng đã thu phí nộp tiền vào tài khoản nếu khác tỉnh, thành thông thường, khách hàng sẽ phải trả từ 10.000 đồng đến một triệu đồng (tùy giá trị nộp) cho một lần giao dịch.

Phần lớn các giao dịch tiền mặt tại quầy hiện nay là chuyển tiền cho người thân (có thể cùng hoặc khác ngân hàng). Đến nay, nhiều nhà băng vẫn chưa thu phí nếu chuyển trong cùng hệ thống, cùng tỉnh thành. Tuy nhiên, rất có thể, từ nay mọi giao dịch trên sẽ đều mất phí nếu đề xuất của Ngân hàng Nhà nước được thông qua.

Nhưng có nhiều nhà băng nhỏ vì muốn cạnh tranh, thu hút khách hàng, vẫn chưa thu phí nộp tiền mặt khác tỉnh.

Việc thu phí nộp tiền mặt, theo giải thích của cơ quan soạn thảo, nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, hạn chế tiêu cực tham nhũng, minh bạch trong các hoạt động kinh tế của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các đơn vị sử dụng vốn nhà nước.

Theo nhiều chuyên gia, việc thu phí dịch vụ tiền mặt là cần thiết để bù đắp cho các chi phí hoạt động của ngân hàng. Việc nộp tiền phải thu phí cũng đúng, bởi vì khi khách hàng nộp tiền, nhân viên NH phải kiểm đếm, làm các thủ tục giấy tờ để thu tiền, tức là ngân hàng sẽ mất chi phí nhân công, chi phí giấy tờ, khấu hao máy móc… Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại việc bị đánh phí khi nộp tiền mặt vào chính tài khoản của mình, có thể khiến người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng.

Trong khi đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí nộp tiền rất có ý nghĩa với những giao dịch hàng ngày số lượng lớn. Đại diện phòng giao dịch một ngân hàng cho biết, mỗi ngày phòng giao dịch nhỏ của họ nhận hàng tỷ đồng tiền mặt các cửa hàng vàng, buôn bán sim thẻ nộp vào tài khoản. “Chủ yếu họ gửi tiền qua đêm là rút ngay nên chi phí kiểm đếm cho những giao dịch này rất lớn, ngân hàng cũng không được hưởng lợi nhiều với số dư trên tài khoản", vị này nói. Theo quy định, nếu rút tiền mặt tại quầy ngay sau khi nộp 2 ngày làm việc, chủ tài khoản sẽ mất phí. Tuy nhiên, các nhóm khách hàng này vẫn thường lách luật bằng cách làm ủy nhiệm chi cho nhiều người thân, nhiều tài khoản khác để rút tiền mà không phải chịu phí.

Các chuyên gia cho rằng chỉ nên áp dụng thu phí nộp tiền với Doanh nghiệp vì bình thường số tiền mà cá nhân nộp tiền vào Ngân hàng không nhiều. Hoặc không, ngân hàng có thể bắt đầu thu phí khi số tiền nộp vượt qua một định mức nào đó. Còn với người dân không nên thu phí giao dịch tiền mặt nhất là khi ở nhiều vùng miền do điều kiện người dân chưa tiếp cận với phương thức giao dịch trực tuyến hay chuyển khoản.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục