Những năm qua, thị trường thực phẩm chức năng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe) phát triển một cách nhanh chóng. Hiện tại, trên thị trường có hơn 30.000 sản phẩm được cấp phép lưu hành. Trong đó, có hơn 70% là sản phẩm sản xuất trong nước, gần 30% còn lại là hàng nhập khẩu.
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, thói quen, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng thay đổi. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Đây là một trong những nguyên nhân kích thích sự tăng trưởng của thị trường thực phẩm chức năng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là trên thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không đạt chuẩn,... khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”. Đây là mối họa khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng.
Nhiều thủ đoạn làm giả kiếm lời
Tại Hội thảo “Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng”, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - đánh giá thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu. Thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng được quảng cáo chữa nhiều loại bệnh khác nhau, từ chữa xương khớp, tiêu hoá, tim mạch… và cả ung thư. Nếu như trước đây, sản phẩm giả, kém chất lượng sản xuất trong nước với quy mô thủ công nhỏ lẻ là chủ yếu thì nay đã thành quy mô công nghiệp, thậm chí còn sản xuất giả ở nước ngoài và đưa về trong nước tiêu thụ.
Để xử lý tình trạng trên, thời quan qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, mua bán thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, trong năm 2022, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đã bắt quả tang Công ty cổ phần Công nghệ cao UEPHA (xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) sản xuất và buôn bán số lượng lớn hàng giả là thực phẩm chức năng Collagen, thu 16 thùng chứa các viên nang Collagen với tổng trọng lượng khoảng 600kg; 13 thùng chứa vỏ hộp giấy, hộp nhựa, tem nhãn Collagen, 3 máy khò…
Ngày 2/11/2022, lực lượng chức năng Hà Nội cũng đã phát hiện, bắt giữ quả tang một nhóm đối tượng đang sản xuất thực phẩm chức năng tăng, giảm cân và và hộp viên sủi an thần giả.
Cụ thể, thu giữ tổng cộng 893 hộp thực phẩm chức năng giả. Trong đó có 175 hộp thực phẩm chức năng CANXI PLUS; 102 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu TOCA; 75 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu V3; 108 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu EXTRAMAN; 385 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu viên sủi an thần; 93 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu MOLI; 132 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu LADY. Các sản phẩm trên được các đối tượng mua từ các hội nhóm trên mạng xã hội, sau đó bán lại cho người có nhu cầu…
Qua đó cho thấy, các đối tượng làm giả thực phẩm chức rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Thậm chí, đối tượng không cần có cửa hàng, cửa hiệu mà chỉ cần đăng tin trên mạng xã hội vào các hội nhóm và “chốt đơn” khá dễ dàng.
Thực phẩm chức năng được thổi phồng như thần dược
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Đây chỉ là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Còn thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế, đặc biệt là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, PGS.TS. Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam - từng chia sẻ để nâng cao nhận thức, tạo được niềm tin ở người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải sản xuất được các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả. Việc công bố, quảng cáo sản phẩm phải chuẩn hóa, tránh quảng cáo sai hoặc gian lận trong sản xuất.
Thế nhưng thời gian qua, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, đánh lừa người tiêu dùng về công dụng thực sự của sản phẩm diễn ra tràn lan, đặc biệt trên môi trường mạng xã hội.
Trước thực trạng đó, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế nhiều lần đưa ra cảnh báo với người dùng về hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng,... Điển hình, đầu năm 2023, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế điểm mặt hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng như: Sản phẩm Cà Gai Leo giải độc gan MB, sản phẩm MediSpores Biota, viên nén Phục Thần Đan, sản phẩm Sâm Tố Nữ Sweet Love, Dưỡng Cốt Thái Vạn Xuân,...
Lợi dụng nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, quảng cáo thực phẩm chức năng tập trung vào liệt kê các thành phần tự nhiên có trong sản phẩm, thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh như: Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan, xương khớp...,
Để tăng sự tin tưởng cho sản phẩm, nhiều đơn vị bán thực phẩm chức năng đã sử dụng hình ảnh của người làm trong ngành y, nhận xét của khách hàng hay mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo và thổi phồng về công dụng.
Có khung pháp lý xử phạt, nhưng chưa hiệu quả
Việc quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược đã gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt là cắt ghép hình ảnh bác sĩ vào quảng cáo đang diễn ra một cách "trắng trợn". Mặc dù bị lực lượng chức năng cảnh báo, xử phạt nhiều lần, tình trạng này đâu lại vào đấy.
Việt Nam hiện đã có quy định xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung không đúng sự thật về an toàn thực phẩm. Theo đó, mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng từ 10 - 15 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo thiếu một trong các nội dung: Tác dụng chính và tác dụng phụ; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Trường hợp quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu… hoặc quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì người vi phạm bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng và từ 100 -140 triệu đồng đối với tổ chức.
Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Đối với hành vi quảng cáo thực phẩm, thuốc dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Mức xử phạt việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai pháp luật đã có nhưng chưa đủ sức răn đe đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm vì lợi nhuận quá lớn của ngành hàng này. Chính vì vậy, cơ quian chức năng cần có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, chỉ nên mua những sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để tránh mua phải hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, xem kỹ thông tin trên bao bì về cơ sở sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm chất lượng, phân phối có uy tín.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể tra cứu thêm thông tin về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên website https://nghidinh15.vfa.gov.vn/Tracuu. Khi phát hiện thông tin sai lệch hoặc có dấu hiệu giả mạo cần thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cũng như an toàn cho chính mình và người thân, tránh gây thiệt hại đến sức khỏe và kinh tế.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết