Thời kì của ngân hàng và địa ốc

(Kinhdoanhnet) - Không chỉ “chống lưng” cho các dự án bất động sản, ngân hàng còn cùng thị trường địa ốc nổi trội hơn cả trong lĩnh vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng "chống lưng" vực dậy BĐS

Nhiều ngân hàng khác đã dần mở hầu bao cho lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Liên Việt Post Bank mới ký thoả thuận cho chủ đầu tư tổ hợp Diamond Flower Tower vay 500 tỷ đồng để hoàn thiện dự án. Ngân hàng Quân đội cũng cấp tín dụng 500 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát hoàn thiện dự án căn hộ The Pride. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa chính thức chỉ định 8 ngân hàng tham gia vào gói liên kết 4 nhà (ngân hàng - nhà đầu tư – nhà thầu – nhà cung cấp vật liệu) với tổng giá trị cho vay lên tới 50.000 tỷ đồng.

Thời kì của ngân hàng và địa ốc - Ảnh 1

Sau khi Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, kêu gọi Ngân hàng SHB đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, hai bên đã nhanh chóng ký kết những hợp đồng quan trọng. Theo đó, SHB đồng ý tài trợ tới 1.000 tỷ đồng cho Tân Hoàng Minh triển khai dự án căn hộ cao cấp D.’ Le Pont D’or – Hoàng Cầu, đồng thời, cho người mua căn hộ tại dự án này vay tới 70% giá trị với thời hạn lên tới 25 năm. Hai hợp đồng này đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược kinh doanh của SHB bởi trước đây, ngân hàng này vẫn thận trọng đối với tín dụng bất động sản.

Ngoài cho chủ đầu tư vay triển khai dự án, các ngân hàng cũng kết hợp với chủ đầu tư triển khai các gói tín dụng cho vay đối với người mua nhà với lãi suất ưu đã. Chẳng hạn, đối với dự án D.’ Le Pont D’or, SHB cho người mua nhà vay với lãi suất 8,68% trong năm đầu tiên, nhưng Tân Hoàng Minh hỗ trợ khách hàng 3,68%, nên thực chất lãi suất chỉ còn 5% trong năm đầu.    

Việc các ngân hàng mở hầu bao được coi là một tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và sự phục hồi của thị trường bất động sản nói chung. Tín dụng giống như mạch máu nuôi sống bất động sản và trong mấy năm qua, khi không còn được tiếp máu thì thị trường bất động sản tê liệt. Tín dụng được nối lại đã giúp nhiều dự án bất động sản hồi sinh, nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ để triển khai dự án mới.

Nhưng các ngân hàng vẫn rất thận trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn còn mắc kẹt với những khoản nợ cũ vẫn chưa giải quyết được. Diễn biến gần đây cho thấy, phần lớn các ngân hàng lựa chọn cho vay đối với những dự án có triển vọng kinh doanh tốt và ngạc nhiên là những dự án này lại thuộc về phân khúc cao cấp chứ không phải là phân khúc nhà giá rẻ như gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Phát triển nhất ở thị trường trái phiếu

Mặc dù thị trường trái phiếu của VN liên tục được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá đã và sẽ tiếp tục có sự bùng nổ từ năm 2013 đến nay song vấn đề sự bùng nổ đó chỉ nghiêng về trái phiếu Chính phủ, trong khi, trái phiếu DN còn quá hẹp.

Xem xét các kế hoạch phát hành trái phiếu DN năm 2014, một điều dễ thấy là hầu hết đều thuộc về các DN kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng.

Ở lĩnh vực BĐS, mặc dù đã chuyển sang đầu tư nông nghiệp khá mạnh với nuôi bò và trồng mía, song Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vẫn là DN đang có các dự án đầu tư địa ốc mới (đặc biệt tại Myanmar). Có lẽ vì vậy mà HAG có nhu cầu vốn khá lớn và DN đã thực hiện hoàn tất đợt chào bán 1.000 TPDN năm 2014 với mệnh giá 1 tỷ đồng.

Trái phiếu HAG có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12% cho kỳ tính lãi đầu tiên, mục đích phát hành nhằm có vốn phát triển dự án cao su và được đảm bảo bằng ba tài sản là quyền thuê đất, cùng với động sản và BĐS gắn liền với đất (bao gồm cả vườn cây cao su) của 3 Cty thuộc HAG là Cty TNHH Công nghiệp - Nông nghiệp cao su Hoàng Anh Quang Minh tại Lào; Cty TNHH phát triển nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu tại Lào; Cty TNHH mía đường Hoàng Anh Attapeu tại Lào (bao gồm cả nhà máy đường, nhiệt điện và các công trình xây dựng khác của Cty).

Thời kì của ngân hàng và địa ốc - Ảnh 2

Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp trong tháng 5/2014

Một DN địa ốc có vốn Nhà nước với quy mô đầu tư lớn ở khu vực phía Nam là Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng DIC Corp, mới đây cũng đã phát hành trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng để phát triển các dự án địa ốc, với đối tượng phát hành là nhà đầu tư ngân hàng duy nhất. Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 800 tỷ đồng của CTCP Tập đoàn FLC cho hai cổ đông hiện hữu, tuy trị giá chưa đạt tới nghìn tỷ lại khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm và muốn tìm hiểu sâu về nguồn lực thực sự của các đối tác này…

Đóng vai trò là nhà đầu tư lớn của thị trường trái phiếu nói chung, các ngân hàng cũng không kém cạnh DN khi lên kế hoạch phát hành trái phiếu huy động vốn. Khá sớm là kế hoạch 980 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ CTCP Tập Đoàn Đại Dương (OGC), với kỳ hạn 3 năm và không có tài sản đảm bảo đầu năm nay.

Ngân hàng HDBank, đơn vị kí kết hợp tác “độc quyền” đợt phát hành trái phiếu 1.000 tỷ đồng của DIC vừa nêu, cũng có kế hoạch phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu để nhằm phục vụ mục đích bổ sung nguồn vốn huy động trung - dài hạn phục vụ phát triển hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn, mặc dù HDBank không thiếu hụt nguồn vốn cho vay trung, dài hạn.

Đặc biệt “khủng” là kế hoạch phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của Eximbank với kì hạn 2, 3 và 5 năm vừa được đưa ra chỉ cách đây mấy hôm. Trị giá phát hành lớn trong một đợt theo dự kiến này cũng được giới quan sát đánh giá là rất đúng “phong cách Eximbank”, khi năm 2013 ngân hàng này cũng đã từng lên kế hoạch xin phép NHNN phát hành tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu hoặc giấy tờ có giá.

Tuy nhiên theo dõi thông tin của Eximbank kể từ tháng 8/2013, khi kế hoạch xin phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu được đưa ra tới nay, không có nguồn tin công bố nào về kết quả thực thi. Do đó, có khả năng đây chính là đợt “kế thừa” kế hoạch phát hành cũ và hơn nữa, Eximbank cũng “thuận thời thế”, điều chỉnh một chút trị giá phát hành trong đợt nhằm khả thi hơn.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục