Thị trường thẻ thanh toán bùng nổ tại Việt Nam

Xu hướng thanh toán bằng thẻ tại Việt Nam đang ngày càng nở rộ với tỷ lệ doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng thẻ năm sau tăng gần gấp đôi năm trước. Tuy nhiên, ngân hàng lại áp chỉ tiêu phát triển mạnh số lượng thẻ nhưng khách không dùng đến, dẫn đến lượng “thẻ chết” rất lớn.

Tốc độ tăng trưởng mạnh của thị trường thẻ thanh toán nói trên phản ánh rõ nét xu hướng tiêu dùng không bằng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Hình thức thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng chiếm phổ biến đến 94%. Các hình thức khác như thanh toán qua ví điện tử và thẻ cào lại chưa có sự chuyển biến rõ nét.

Các NHTM hiện đã chú trọng hơn tới việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, chú trọng vào những sản phẩm như: Phát hành thêm các loại thẻ, cho vay tiêu dùng, cho vay qua thẻ…Có thể thấy còn nhiều khoảng trống trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng với đối tượng là khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. HIện chỉ  có khoảng 20% người tiêu dùng ở độ tuổi trưởng thành đang sử dụng dịch vụ ngân hàng. Theo NHNN Việt Nam, đã có 33 triệu người Việt Nam sử dụng thương mại điện tử, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ngày càng giảm, còn khoảng 12%.

Trong năm 2014, nhiều ngân hàng đã nâng cấp hệ thống ngân hàng điện tử như Sacombank, VIB,… Có nhiều ngân hàng đã trở thanh thành viên chính thức của Visa và/hoặc MasterCard như SHB, Bản Việt, OCB, GPBank, Indovina Bank,… Có nhiều thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và các công ty viễn thông (có số lượng khách hàng lớn) như Viettel hợp tác với hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV,… để cung cấp dịch vụ ngân hàng di động Mobile BankPlus, như Vietcombank hợp tác với Vinaphone ra mắt dịch vụ chuyển tiền di động Momo, SHB và Vinaphone phối hợp cung cấp thẻ đồng thương hiệu,…

Thị trường thẻ thanh toán bùng nổ tại Việt Nam - Ảnh 1

Ngoài ra, các ngân hàng cũng chạy đua mở rộng mạng lưới thanh toán, cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng cho chủ thẻ. Vietinbank trở thành ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán di động MPOS. Các ngân hàng cũng bắt tay nhau với dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 của Smartlink được cung cấp thành công cho khách hàng của 21 ngân hàng thương mại thực hiện chuyển tiền tới thẻ.

Tuy vậy, theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài, quy mô dân số trẻ không ngừng mở rộng cùng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng thương mại điện tử ngày càng thịnh hành là những yếu tố cơ bản khiến thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam, cả thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card), phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây.

Còn theo đánh giá của Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu RNCOS, thì riêng trong giai đoạn 2011 – 2014, mức tăng trưởng của thị trường thẻ Việt Nam sẽ đạt khoảng 18,5%.

Đây cũng là lý do mà các ngân hàng trong nước lẫn nước ngoài thời gian gần đây tích cực triển khai đẩy mạnh khai thác phát triển thị trường này.

Tuy vậy, ngân hàng lại áp chỉ tiêu phát triển mạnh số lượng thẻ nhưng khách không dùng đến, dẫn đến lượng “thẻ chết” rất lớn.

Ông Tô Hải Anh, Trưởng phòng Khách hàng FDI, Ngân hàng Vietcombank cho biết tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Singapore, thời gian tới dịch vụ ngân hàng sẽ bùng nổ cũng như sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các ngân hàng với nhau. Vì hiện nay chỉ có 20% trong số 90 triệu dân Việt Nam có tài khoản thẻ tại ngân hàng. Do vậy, với mức độ đô thị hóa, dân số trẻ và thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện thì đây là một thị trường đầy tiềm năng với các ngân hàng.

Tuy nhiên, các ngân hàng cổ phần hiện đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với 5 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối như: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MHB. Vì 05 ngân hàng này chiếm đến 45% thị phần ngân hàng, còn lại khoảng trên 25 ngân hàng nội, các ngân hàng liên doanh, ngân hàng ngoại chiếm thị phần còn lại là 55%.

Tính đến hết năm 2013, theo Ngân hàng Nhà nước thì số lượng thẻ mà các ngân hàng đã phát hành ra thị trường khoảng 66 triệu thẻ. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về thẻ thì số lượng “thẻ chết” cũng rất nhiều, khách hàng mở thẻ mà không dùng. Nguyên nhân một phần từ việc trong thời gian qua, các ngân hàng áp chỉ tiêu cho nhân viên kinh doanh thẻ rất cao nhằm gia tăng thị phần của mình. Do vậy, việc bán thẻ đối phó để đạt chỉ tiêu đã xảy ra nên lượng “thẻ chết” tăng lên.

N.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục