Thị trường đất nền: Khi giới đầu tư "rủ nhau" xa trung tâm

Thị trường đất nền tại TP.HCM đang khan hiếm nguồn cung do quỹ đất hạn hẹp. Nhiều nhà đầu tư "dời đô" ra ngoại thành, khu vực vùng ven - nơi có quỹ đất dồi dào, hạ tầng tốt. Đây được xem là chốn an cư lý tưởng trong tương lai, thu hút đông đảo khách mua là người trẻ.

Đất nền ven đô trở lại

Sau hai cơn sốt đất nền gần đây nhất, thị trường đất nền TP.HCM bắt đầu đi vào ổn định khi các chủ đầu tư triển khai dự án bài bản hơn, xây dựng hạ tầng hoàn thiện hơn. Tại các quận trung tâm thành phố, gần như vắng bóng các dự án đất nền do quỹ đất khan hiếm, nếu có thì giá bán khá cao, chủ yếu đất biệt thự dành cho khách hàng cao cấp.

Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường đất nền, nhiều chủ đầu tư bắt đầu "dời đô" ra ngoại thành, các khu vực ven TP.HCM - nơi có quỹ đất dồi dào, hạ tầng tốt để triển khai dự án. Hiện các quỹ đất giáp ranh khu Đông TP.HCM như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), hay khu vực giáp ranh khu đô thị Tây Bắc TP.HCM như Đức Hòa (Long An) đang được xem là nơi an cư lý tưởng trong tương lai bởi hai khu vực này hạ tầng hiện hữu tương đối tốt và trong thời gian tới, khả năng kết nối liên vùng cao.

Thị trường đất nền: Khi giới đầu tư "rủ nhau" xa trung tâm - Ảnh 1
Dự án Saigon Eco Lake đang được chủ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Tại khu Tây Bắc TP.HCM, Công ty TNHH Nhà Xum và Công ty CP Phát triển Casa Việt Nam (CasaLand) vừa ra mắt dự án Saigon Eco Lake có quy mô lên tới 68ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Hiện dự án đã được đầu tư cơ bản hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, CasaLand cũng đã ký kết liên kết với Công ty CP Tập đoàn Bất động sản Việt Nam (VNG Real), Sàn giao dịch Nam Hưng Land, sàn giao dịch Green Hills mở bán 400 nền đất sổ đỏ tại dự án này, với mức giá chỉ khoảng 9,8 triệu đồng/m2.

Phân tích về lợi thế của dự án, chủ đầu tư cho biết, dự án nằm ngay mặt tiền tỉnh lộ 8, lộ giới 40m, tuyến đường huyết mạch tiếp giáp quốc lộ 22, nối các quận huyện Tây Bắc TP.HCM với các vùng kinh tế trọng điểm của Long An, Tây Ninh. Dự án có 3 mặt tiền sông và kênh rạch. Dự án còn có hồ sinh thái Hồng Hạc rộng 5,3ha, khu trung tâm thương mại Tây Bắc Center Mall, khu chợ đã khởi công... Đặc biệt dự án nằm trong tổng thể quy hoạch khu đô thị Tây Bắc TP.HCM; nằm cạnh khu phức hợp 900ha, khu bảo tồn Safari của Tập đoàn Vingroup; trường đua ngựa quốc tê quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á diện tích 1.88ha.

Ông Đinh Duy Trinh, Tổng Giám đốc VNG Real cho biết, lượng khách hàng quan tâm đến dự án rất lớn bởi dự án nằm trong tổng thể khu đô thị Tây Bắc. Ngoài ra, hiện nay lượng khách hàng quan tâm đến đất nền rất lớn khi mà nguồn cung đất nền tại TP.HCM không còn nhiều. Giá đất nền ở TP.HCM, nhất là ở khu Đông TP.HCM tăng quá cao, không còn khả năng sinh lời nên khách hàng đang tìm kiếm nguồn hàng đầu tư mới với mức giá hợp lý để có thể đầu tư sinh lời và an cư lý tưởng hơn.

Đầu tư vùng ven là lựa chọn khôn ngoan

Có mặt tại buổi mở bán một dự án đất nền ở Đức Hòa (Long An), bạn Phan Hồng Thạnh cho biết, hiện giá căn hộ tại TP.HCM thấp nhất cũng trên dưới 30 triệu đồng/m2, đa phần những người trẻ khó mua được căn hộ với mức giá này. "Do đó, việc chọn miếng đất giá vừa phải, sau đó tích cóp xây nhà là giải pháp được nhiều người trẻ như em chọn lựa", bạn Thạnh chia sẻ.

Đồng tình với nhận định trên, bạn Trần Mỹ Nga cho biết thêm: "Quan điểm làm việc ở Sài Gòn phải có nhà Sài Gòn hiện không còn phù hợp nữa. Bởi hạ tầng giao thông của thành phố giờ đây đã có sự kết nối rất cao. Từ Củ Chi hay Đức Hòa cách trung tâm thành phố vài chục km không còn là vấn đề lớn. Giao thông thuận tiện, việc đi lại dễ dàng hơn trước rất nhiều".

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản TP.HCM nói chung, thị trường đất nền nói riêng đang dần dịch chuyển ra các vùng lân cận do sức ép về hạ tầng giao thông ở khu vực trung tâm. Việc lựa chọn đầu tư nhà ở hay đất nền khu vực này còn được xem là khôn ngoan bởi hạ tầng giao thông khu trung tâm thành phố ngày càng co lại trong khi hạ tầng giao thông ở các vùng phụ cận lại mở ra, mang tính liên thông, liên vùng. Đơn cử, dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang gấp rút hoàn thành; dự án mở rộng quốc lộ 22, kết nối trục đường Xuyên Á cũng đang được triển khai...

Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đồ án quy hoạch này, tổng diện tích toàn vùng lên tới 30.404km2, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt khoảng 270.000-290.000ha, bình quân 100-150 m²/người. Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2030 đạt khoảng 150.000-170.000ha, bình quân 180-210m²/người.

Mô hình tập trung - đa cực của đồ án quy hoạch trên được giới chuyên gia đánh giá sẽ là sức bật đưa toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cất cánh trong thời gian không xa. Khi đó, các vùng đô thị tại TP.HCM không còn chiếm vị trí độc tôn nữa mà chia sẻ ra các tỉnh, thành lân cận. Đó cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư có tầm nhìn mở rộng đầu tư dự án xa lõi trung tâm TP.HCM.

Nguyễn Lê


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục