Thị trường chứng khoán: Cuộc thanh lọc khắc nghiệt trong nhóm cổ phiếu lớn

Danh sách VN30 thay đổi mạnh mẽ do sự thụt lùi của một số cổ phiếu cũ cũng như hoạt động chuyển sàn và niêm yết mới của những cổ phiếu vốn hoá lớn.

Thị trường chứng khoán và VN30 có nhiều thay đổi

Rổ chỉ số VN30 liên tục thay đổi theo thời gian, giai đoạn đầu ra mắt năm 2012, vốn hoá tại ngày 28/12/2012 là 492.352 tỷ đồng, chiếm 72,58%, thì tới ngày 8/7/2020 đạt 2.391.265 tỷ đồng, chiếm 79,2% toàn sàn HOSE. Như vậy, vốn hoá nhóm VN30 đã tăng 4,7 lần sau gần 8 năm.

Không những tăng lên về vốn hoá, các mã cổ phiếu trong VN30 cũng có sự thay đổi lớn. Kể từ năm 2012 tới nay chỉ có 14 mã cổ phiếu, chiếm 46,7% tổng số cổ phiếu trong rổ chỉ số, trong khi đó có 16 mã cổ phiếu liên tục thay đổi, chiếm 53,3%.

Thị trường chứng khoán: Cuộc thanh lọc khắc nghiệt trong nhóm cổ phiếu lớn - Ảnh 1

Vốn hoá thị trường cổ phiếu qua các năm.

Đáng chú ý, trong danh sách VN30 bị loại ra có cả các “thương hiệu một thời huy hoàng” như Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Hùng Vương (HVG), Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD)…

Nhóm dầu khí có tác động lớn tới thị trường giai đoạn 2010 - 2014 khi giá dầu liên tục tăng cao, các cổ phiếu trong nhóm hưởng lợi.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 trở đi, thị trường dầu khí gặp cú sốc tổng cầu suy giảm do kinh tế châu Âu chịu tác động khủng hoảng nợ công, kinh tế Trung Quốc giảm tốc sau giai đoạn xây dựng quá mức, sự không đồng thuận về sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)... đã đẩy giá dầu giảm mạnh từ vùng 110 USD/thùng về dưới 30 USD/thùng.

PVD với hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê giàn khoan chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi nhu cầu thuê sụt giảm, khiến giá cổ phiếu lao dốc.

Điều tương tự diễn ra với HAG, HVG… những khó khăn, thách thức trong ngành và chiến lược phát triển không gặp thời khiến các doanh nghiệp này gặp khó khăn kéo dài, từ đó không còn đáp ứng tiêu chí của rổ chỉ số VN30.

Thị trường chứng khoán: Cuộc thanh lọc khắc nghiệt trong nhóm cổ phiếu lớn - Ảnh 2

Trái lại, VN30 chào đón những doanh nghiệp tư nhân lớn hơn như Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB), hay nhóm doanh nghiệp nhà nước có tài sản lớn, hoạt động trong những ngành đặc thù như Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (POW).

Dự báo những cái tên mới trong VN30 và các mã sẽ bị loại

Lọt vào danh sách VN30 trong thời gian tới dự kiến là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR), sau khi giao dịch đủ 6 tháng trên HOSE; Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX)…

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp vốn hoá lớn, chủ yếu trên UPCoM, chuẩn bị chuyển sang sàn HOSE có thể sẽ khiến danh sách VN30 tiếp tục thay đổi.

Chẳng hạn, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (BCM) có vốn hoá tại ngày 8/7/2020 là 27.298 tỷ đồng, cao hơn 10 mã trong VN30. Được biết, BCM hoạt động chủ yếu trong hai lĩnh vực là bất động sản khu công nghiệp và khu đô thị.

Đây là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, chủ yếu tại tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành phố khác.

Hay Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) tính tới 8/7/2020 có giá trị vốn hoá đạt 128.159,9 tỷ đồng, cao hơn 24 mã trong rổ VN30. ACV đang quản lý và vận hành độc quyền 21 sân bay thương mại tại Việt Nam, sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành (Đồng Nai).

Doanh nghiệp liên tục lên kế hoạch chuyển sàn, nhưng đang gặp vướng mắc về xác định tài sản doanh nghiệp, tài sản nhà nước.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã thông qua kế hoạch chuyển sang sàn HOSE. Tính tới ngày 8/7/2020, vốn hoá ACB là 39.739,4 tỷ đồng, cao hơn 13 mã trong VN30.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu có vốn hoá dưới 10.000 tỷ đồng trong VN30 hiện nay như ROS có vốn hoá 1.703 tỷ đồng, CTD có vốn hoá 6.111 tỷ đồng, SBT có vốn hoá 8.449 tỷ đồng, SSI có vốn hoá 9.435 tỷ đồng, REE có vốn hoá 9.922 tỷ đồng rất có thể sẽ bị thay thế bởi các cổ phiếu vốn hoá lớn hơn, cũng như có giá trị tài sản lớn hơn trong tương lai không xa, khi hàng loạt công ty vốn hoá lớn chuyển sang sàn HOSE, hoặc niêm yết mới.

Quy mô tài sản, nguồn vốn của các doanh nghiệp niêm yết ngày một gia tăng, các doanh nghiệp như GAS, PLX, VHM, GVR, GEX, POW, VRE… đang ngày một cải thiện chất lượng tài sản các doanh nghiệp niêm yết trên sàn góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam dần nâng cao quy mô và thu hút dòng vốn ngoại.

 

Thị trường chứng khoán: Cuộc thanh lọc khắc nghiệt trong nhóm cổ phiếu lớn - Ảnh 3

Phương pháp đầu tư cần thay đổi

Trong 20 năm qua, số lượng doanh nghiệp niêm yết dần nhiều hơn, chất lượng cổ phiếu tốt hơn, sản phẩm trên thị trường đa dạng hơn, thị phần công ty chứng khoán thay đổi và lớp nhà đầu tư cũng thay đổi theo thời gian.

Với các nhà đầu tư, trong giai đoạn đầu của thị trường, số lượng doanh nghiệp niêm yết ít, việc mua bán cổ phiếu đơn giản, chủ yếu theo dòng tiền và ít có sự lựa chọn.

Về sau, thị trường đòi hỏi nhà đầu tư phải cân nhắc, chọn lọc nhiều hơn, phải có phương pháp tiếp cận và chiến lược đầu tư cụ thể trong từng giai đoạn.

Nhà đầu tư phải tiếp cận các phương pháp đầu tư trên thị trường thế giới, cũng như của các nhà đầu tư lão luyện, nếu không kịp thay đổi theo thị trường sẽ sớm bị loại khỏi cuộc chơi vì thua lỗ.

Trong 2 - 3 năm trở lại đây, giới đầu tư trong nước bắt đầu tìm hiểu và học nhiều hơn về các phương pháp đầu tư CANSLIM của William J. ONeil, phương pháp đầu tư tăng trưởng của Philip A. Fisher, phương pháp đầu tư giá trị của Warren Buffett và tham gia các khoá đào tạo, phân tích chứng khoán, bao gồm đọc và hiểu báo cáo tài chính doanh nghiệp, điều này khác hoàn toàn giai đoạn sơ khai những năm 2000.

Đơn cử, phương pháp đầu tư CANSLIM kết hợp giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật để chọn doanh nghiệp tăng trưởng và thị trường chung thuận lợi để xác định thời điểm giải ngân, cũng như thời điểm rút lui khỏi thị trường.

Thực tế cho thấy, một doanh nghiệp dù lớn đến đâu mà có chiến lược hoạt động sai cũng có thể dẫn tới giá cổ phiếu giảm sâu và đánh mất vị thế trên thị trường.

Đối với nhà đầu tư, thị trường liên tục vận động và thay đổi, nhà đầu tư cũng phải thay đổi theo để bắt kịp xu hướng thị trường. Chỉ có liên tục vận động và tìm hiểu, nhà đầu tư mới có thể hiểu doanh nghiệp, chọn các doanh nghiệp có triển vọng phát triển để đầu tư.

Duy Bắc (Tinnhanhchungkhoan.vn) 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục