Thị trường BĐS Việt Nam không dễ thuyết phục khách ngoại
Theo ông Henry Trịnh - Đại diện Tổ chức giám định chất lượng Singapore Standard tại Việt Nam, có ba nhân tố quyết định thành công trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội của Singapore. Đó trước hết là chính sách một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về nhà ở xã hội để phân bổ và quy hoạch nguồn lực hiệu quả hơn. Tiếp theo là sự định hướng, hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ về tài chính và pháp lý. Cuối cùng là việc áp dụng phương thức tiếp cận tổng thể đối với nhà ở.
Ông Henry Trịnh cho biết, do quỹ đất hạn hẹp nên đa phần bất động sản tại Singapore phát triển theo dạng căn hộ, gọi là condominium. Có hai loại căn hộ chủ yếu: Loại thứ nhất là do chính phủ phát triển, chỉ để bán cho công dân Singapore hoặc những người được phép định cư lâu dài tại Singapore, loại này được xem là nhà ở căn bản. Giá cả chỉ bằng 50% so với các căn hộ do tư nhân phát triển.
Chính do quỹ đất hạn hẹp nên bất động sản tại Singapore phát triển liên tục và gần như không mất giá trong suốt 2 thập kỷ qua. Các nhà đầu tư khắp nơi đổ dồn về đây nên giá các căn hộ ở Singapore phổ biến ở mức 1,5 - 2 triệu SGD, tương đương khoảng 25-30 tỷ đồng. Thậm chí, chính phủ phải đưa ra một số loại thuế để hạn chế bớt sức mua của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Henry Trịnh cho hay, các dự án tại Singapore dù lớn hay nhỏ đều có các tiêu chuẩn nhất định về môi trường, chất thải, tỉ lệ phủ xanh, kết cấu, tỉ lệ ánh sáng tự nhiên, tiện ích công cộng… mọi thứ khá chuẩn hóa. Các tiêu chuẩn này do Ủy ban Xây dựng nhà ở (Building Construction Authority) quy định, đạt thì mới đươc duyệt dự án. Hiện nay, mặc dù khá nhiều căn hộ tại Việt Nam quảng cáo đạt tiêu chuẩn Singapore, nhưng không cụ thể được tiêu chuẩn gì, không được xem xét và thẩm định bởi một tổ chức có tính pháp lý của Singapore.
Cũng như người Singapore, các nhà đầu tư, khách thuê nước ngoài luôn quan tâm trước tiên tới vị trí của căn hộ. Nhưng ở Việt Nam, do môi trường đô thị không đồng nhất nên người nước ngoài đa phần ưu tiên yếu tố môi trường đô thị, dù vị trí có xa hơn đôi chút. Cụ thể là các yếu tố hạ tầng, cảnh quan, an ninh, môi trường trong lành, nhiều cây xanh, nhiều tiện ích, căn hộ và quản lý căn hộ chuẩn mực… Điển hình là Phú Mỹ Hưng đã tạo ra môi trường đô thị có thể nói là kiểu mẫu ở Việt Nam nên nhiều người nước ngoài đã chọn nơi đây.
Ngoài ra, ông Henry Trịnh nhận xét rằng, hệ thống căn hộ Việt Nam không được tiêu chuẩn hóa nên người mua phải xem xét cụ thể từng dự án trước khi ra quyết định của mình… Nhưng các yếu tố: kết cấu an toàn, môi trường, phòng chống cháy nổ, tỉ lệ ánh sáng… không phải chuyên môn của họ nên phần lớn vẫn chỉ dựa vào cảm quan và thông tin do nhân viên bán hàng cung cấp.
Việc cho người nước ngoài mua nhà là việc đã trở nên bình thường ở hầu hết các nước trên thế giới. Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà cũng trở thành một kênh kích thích đầu tư, thu hút nguồn vốn và phát triển dịch vụ. Hơn thế, đây còn được xem là một tiêu chí đánh giá sự hội nhập và môi trường kinh doanh quốc tế của quốc gia đó. Thực tế, người Việt Nam đi ra nước ngoài mua nhà đã được hưởng lợi từ việc này.
Cũng trong xu hướng đó, dự thảo của Luật Nhà ở đã quy định mở quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức cá nhân nước ngoài và đặc biệt là quy định mang tính đột phá: cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam.
Nói về vấn đề này, mới đây, Bộ trưởng Xây Dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc mở thị trường nhà ở cho người nước ngoài nó đáp ứng được nhiều mục tiêu, trước hết là để phát triển kinh tế, và nếu phát triển kinh tế được thì chúng ta mới giải quyết được các vấn đề xã hội, bởi vì người nước ngoài vào mua nhà ở VN thì đây là một kênh đầu tư và chúng ta xuất khẩu tại chỗ một sản phẩm mà chúng ta có khả năng làm được. Thông lệ quốc tế thì nhiều nước họ đã mở cửa cho người nước ngoài mua nhà”.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend, phân tích trên thị trường hiện có nhiều nhóm đầu tư nước ngoài đang nhắm vào thị trường BĐS Việt Nam vì khả năng sinh lời ở thị trường nước họ đã bảo hòa. Trong đó, có nhóm gồm các chủ đầu tư BĐS, họ xem xét cơ hội đầu tư vào Việt Nam ở mọi khía cạnh của thị trường, từ văn phòng cho thuê, nhà ở, đất nền, khu đô thị,căn hộ thương mại và ngay cả nhà ở xã hội… Tuy nhiên, yếu tố chính sách dưới luật vẫn quyết định tất cả.
Ông Timothy Horton – Tổng Giám Đốc Công ty Tư vấn Bất Động Sản Cushman & Wakefield cũng cho biết, năm 2015 vẫn sẽ là một năm mà các nhà đầu tư nước ngoài vẫn trong tình trạng nghe ngóng và chờ thời.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo DDDN, trí thức trẻ)