Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 3 năm 2021, thị trường bảo hiểm hiện có 70 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 19 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản ước đạt 600.818 tỷ đồng (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 100.215 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 500.603 tỷ đồng.
Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 2.332 tỷ đồng (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước), trong đó phí bảo hiểm thu xếp gốc ước đạt 1.874 tỷ đồng (tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước), phí tái bảo hiểm thu xếp ước đạt 458 tỷ đồng (giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước).
So với cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 ước đạt 184.662 tỷ đồng (tăng 15% so với 2019). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 57.102 tỷ đồng (tăng 8% so với 2029), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng (tăng 19,6%).
Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 552.403 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 95.949 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 456.454 tỷ đồng (tăng 23,3%).
Bộ Tài chính cho hay, đơn vị này đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và hoàn thiện dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo Bộ Tài chính, một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự (không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm), dẫn đến khó khăn trong thực hiện, thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia bảo hiểm vì vậy cần phải có Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.