Tại phiên tọa đàm “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện”, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nếu để thị trường điều tiết thì nhẽ ra trong dịp Tết, giá xăng đã phải tăng 2.400 đồng/lít và dịp 11/3 vừa rồi phải điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lít nữa. Như vậy, nếu theo đúng thị trường giá xăng phải tăng 3.500 đồng/lít.
Theo đúng thị trường giá xăng phải tăng 3.500 đồng/lít.
Tuy nhiên, để tránh gây "sốc cho người tiêu dùng, liên Bộ Tài Chính - Công Thương đã chỉ điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít đối với giá xăng, 900 đồng/lít đối với giá dầu. Mức giá cơ sở chênh so với giá bán còn lại, 1.900 đồng/lít liên bộ tiếp tục xả Quỹ bình ổn giá để cân bằng.
Cũng theo ông Quyền, giá xăng hiện đã đi theo thị trường, phản ánh đủ chi phí hợp lý, hợp lệ, nhất là theo giá thế giới. Công thức, biên độ, thời gian điều chỉnh được quy định rõ trong Nghị định 83.
Điều chỉnh mới nhất về giá xăng tính từ chiều ngày 11/3, giá xăng RON 92 tăng khoảng 1.600 đồng một lít (giá xăng RON 95 tăng ở mức tương tự), dầu hỏa tăng 900 đồng một lít; dầu diesel tăng 700 đồng và dầu mazút tăng 900 đồng/kg.
Giá xăng Ron 92 được điều chỉnh tăng giá nhưng không quá 17.286 đồng/lít, xăng E5 lên không quá 16.956, giá dầu diesel 0,05 S tăng không quá 15.883 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng không quá 16.323 đồng/lít và giá dầu mazút tăng không quá 12.761 đồng/kg.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, cho ý kiến về tờ trình tăng 300% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) và một số mặt hàng xăng dầu khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng tình với đề nghị của Chính phủ. Mức thuế mới sẽ được áp dụng từ 1/5/2015.
Đánh giá về việc tăng thuế đối với xăng, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tăng thuế là một trong những biện pháp để tránh tạo ra sự "chênh lệch quá đáng" và gây nên buôn lậu.
Đại diện ngành thuế khẳng định, việc tăng thuế môi trường lên 3.000 đồng/lít xăng như vừa rồi là phù hợp, tránh được bất lợi cho nền kinh tế.
Theo tính toán của Khối phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), tổng các loại phí và thuế người tiêu dùng Việt Nam đang gánh chịu vào khoảng 7.888 đồng /lít (tức khoảng 101,4% so với giá cơ sở). Do đó, với việc áp dụng mức thuế mới, người tiêu dùng sẽ gánh chịu thêm gần 25,3% so với mức phí đang chịu hiện nay.
Ngọc Anh (Th)