Thẻ thanh toán – lợi hay hại?

(Kinhdoanhnet) - Thẻ tín dụng đang dần trở thành một phương tiện thanh toán được nhiều người sử dụng vì những lợi ích mà nó mang lại. Tiện lợi, nhiều điểm chấp nhận thẻ, linh hoạt trong chi tiêu … là một trong những lợi thế nổi bật của việc mua sắm bằng thẻ tín dụng so với hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên cũng không ít bất cập đến với người sử dụng.

Người tiêu dùng: tưởng lợi hóa thiệt

Để vượt qua cơn bão táp khó khăn, các ngân hàng đã phải “đau đầu” nghĩ cách để trụ lại. Và một trong số các giải pháp được “ưu ái” đó là bắt tay với doanh nghiệp đẩy mạnh dịch vụ thẻ.

Để thu hút khách hàng sử dụng hình thức thanh toán hiện đại, các ngân hàng phát hành thẻ luôn có những chương trình khuyến mãi hấp dẫn chỉ dành cho khách hàng của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bạn không sở hữu ít nhất 01 thẻ tín dụng thì bạn đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để tận hưởng các chương trình khuyến mãi đặc biệt.

Thẻ thanh toán – lợi hay hại? - Ảnh 1

Điển hình trong số này có thể kể tên như Vietinbank. “Ông lớn” ngành NH này đã liên kết với một loạt các siêu thị điện máy như Pico, Trần Anh, Mediamart… để khuyến khích khách hàng sử dụng hình thức thanh toán qua thẻ ATM. Theo thông tin đăng trên trang web của Trung tâm điện máy HC, với những hóa đơn thanh toán từ 1 triệu đồng trở lên bằng thẻ Vietinbank trên POS VietinBank vào tất cả các ngày thứ 6 hàng tuần và khách hàng được chiết khấu thêm 5% trên giá trị giao dịch. Số lần chiết khấu không hạn chế. Giá trị chiết khấu tối đa/chủ thẻ/toàn bộ các chuỗi siêu thị HC không quá 500.000 đồng.

Trong điều kiện khó khăn và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc bắt tay, liên kết giữa ngân hàng và DN là câu chuyện lợi cả đôi đường. Bản thân các NH và đơn vị liên kết đều cam đoan rằng, hình thức triển khai các dịch vụ thanh toán qua thẻ ATM đều nhằm mục đích mang lại sự tiện ích và những lợi ích cho khách hàng. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù được miễn phí phát hành thẻ, nhưng giống như 1 chiếc thẻ ATM bình thường, mỗi lần khách hàng muốn rút tiền, sẽ phải rút số tiền là bội số của 10. Đồng thời, sẽ phải luôn luôn để lại một số tiền là 50.000 đồng để duy trì thẻ. Nói cách khác, với 10.000.000 đồng đóng vào, khách hàng sẽ chỉ được sử dụng tối đa số tiền là 9.950.000 đồng. Bằng chính “chiêu trò” liên kết này, với các đối tác là các trường đại học, các trung tâm điện máy, các hãng taxi…, Vietinbank cũng đã thu về một số tiền không nhỏ thông qua hình thức phí duy trì thẻ.

Các loại phí chồng phí

Ưu điểm, tiện ích của thẻ tín dụng quốc tế được ghi nhận nhưng không phải khách hàng nào cũng lựa chọn bởi rào cản “phí.” Trên thực tế, nếu dùng thẻ thanh toán trực tiếp tại nước ngoài thì khi về Việt Nam, người dùng sẽ bị tính theo tỷ giá quy đổi để khấu trừ. Tuy nhiên, nếu khách hàng dùng thẻ Visa, Master... để rút tiền mặt tại nước ngoài thì phải chịu đồng thời hai loại phí và lãi suất. Đó là phí rút tiền từ 4-7%, phí chuyển đổi ngoại tệ 3-4% với mức lãi suất thấp nhất cũng vào khoảng 21%/năm được tính ngay từ thời điểm rút tiền.

Riêng thẻ ghi nợ Visa Debit, khi sử dụng ở nước ngoài, chủ thẻ vẫn phải trả phí giao dịch. Nếu rút tiền mặt ở nước ngoài sẽ phải chịu phí rút tiền mặt và phí chuyển đổi ngoại tệ từ 7-11%. Còn khi dùng thẻ Visa Debit để thanh toán thì chủ thẻ chịu phí chuyển đổi ngoại tệ từ 3-4%. 

Khi sử dụng các loại thẻ này, chủ thẻ còn phải đóng phí thường niên từ 200.000 đến 300.000 đồng với thẻ chính, mức cho thẻ phụ kèm theo sẽ giảm hơn chút ít. Cùng đó là hàng loạt loạt phí phát sinh nếu có mà danh mục lên tới con số 17.

Thẻ thanh toán – lợi hay hại? - Ảnh 2

Các loại thẻ thanh toán của ngân hàng vẫn còn mới mẻ với đại bộ phận người dân bởi thế không phải khách hàng nào cũng tường tận hết các loại phí mình phải trả khi sử dụng thẻ thanh toán quốc tế. Khi làm thẻ, khách hàng hầu hết chỉ được thông báo các quyền lợi mà họ được hưởng chứ chưa nắm được “nghĩa vụ”. Vì vậy mới có chuyện khách hàng rất ngạc nhiên khi bị trừ hơn 200.000 đồng trong tài khoản, đến khi hỏi kỹ họ mới hay đó là phí thường niên của thẻ. 

Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cảnh báo khách hàng nên cân nhắc khi đăng ký thẻ tín dụng bởi ngoài phí thường niên, còn hàng loạt các loại phí khác mà chủ thẻ có thể phải chi trả. Hay gặp nhất là phí chậm thanh toán khi thanh toán trễ hạn. Nhiều ngân hàng phát hành thẻ ấn định một mức phí cố định áp dụng, trong khi một số khác lại tính phí trễ hạn dựa trên số dư nợ trên tài khoản thẻ. Thường thì mức phí nằm trong khoảng từ 50.000 đến 100.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, chỉ cần thanh toán trễ hạn hai đến ba lần trong một năm, số tiền phải trả cho phí chậm thanh toán có thể còn cao hơn cả phí thường niên. 

Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục