Thanh Xuân, Hà Nội: Nhà xây sai phép mặt phố trung tâm Ngã Tư Sở không bị xử lý

Một công trình được cấp giấy phép xây dựng tạm nhưng lại xây sai phép hàng trăm m2 và vượt chiều cao nhiều tầng đã tồn tại nhiều năm ngay trung tâm Ngã Tư Sở mà không bị cơ quan chức năng xử lý gây bức xúc dư luận....

Sáng 18/10/2018, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ việc Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT tại Hà Nội khởi kiện Công ty cổ phần tập đoàn Đông Đô có địa chỉ tại số 52-54 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội với nội dung khởi kiện là Công ty cổ phần tập đoàn Đông Đô tự ý chấm dứt hợp đồng thuê nhà, vi phạm các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng tại địa chỉ 52-54 đường Nguyễn Trãi.

Trong quá trình xét xử, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân đã yêu cầu Công ty cổ phần tập đoàn Đông Đô cung cấp giấy tờ, tài liệu liên quan đến quyền sở hữu hợp pháp với tòa nhà cho thuê, trong đó có giấy phép xây dựng của tòa nhà.

Trong Giấy phép xây dựng tạm số 631 2012/GPXDT do ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân ký được công khai tại Tòa, cho phép bà Nguyễn Thị Kim Dung, nhà số 54 Nguyễn Trãi được phép xây 3 tầng trên diện tích 63,5 m2. Trên thực tế tòa nhà này đã xây dựng 06 tầng kiên cố trên diện tích 270m (Theo hợp đồng cho thuê ký với Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT). Như vậy bà Nguyễn Thị Kim Dung đã xây dựng sai phép hàng trăm m2 và cao vượt phép 3 tầng. Điều lạ là tòa nhà này đã xây sai phép gấp nhiều lần và ngay chính mặt phố Nguyễn trãi, ngay sát trung tâm Ngã Tư Sở mà không bị cơ quan chức năng nào xử lý.

 

Thanh Xuân, Hà Nội: Nhà xây sai phép mặt phố trung tâm Ngã Tư Sở không bị xử lý - Ảnh 1

Giấy phép xây dựng tạm số 631 2012/ GPXDT do ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân ký

Thanh Xuân, Hà Nội: Nhà xây sai phép mặt phố trung tâm Ngã Tư Sở không bị xử lý - Ảnh 2
Tòa nhà 52-54 Nguyễn Trãi xây vượt phép hàng trăm m2 và cao vượt phép 3 tầng

Điều 94. Xây dựng công trình tạm

1. Công trình tạm được xây dựng và chỉ được phép tồn tại trong một khoảng thời gian xác định.

2. Công trình tạm bao gồm:

a) Công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;

b) Công trình, nhà ở riêng lẻ được phép xây dựng có thời hạn nằm trong quy hoạch nhưng chưa giải phóng mặt bằng xây dựng.

3. Đối với công trình xây dựng tạm phục vụ công trình xây dựng chính, chậm nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày công trình xây dựng chính được đưa vào sử dụng, chủ công trình xây dựng tạm phải tự phá dỡ, trừ trường hợp công trình xây dựng tạm phục vụ công trình xây dựng chính là công trình, khu dân cư có quy mô lớn phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ được phép xây dựng có thời hạn khi hết thời hạn theo quy định của giấy phép xây dựng tạm thì chủ công trình xây dựng phải tự phá dỡ; nếu không tự giác dỡ bỏ thì bị cưỡng chế, chủ công trình xây dựng chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế và không được đền bù.

Luật này có hiệu lực vào thời điểm UBND quận Thanh Xuân cấp GPXD tạm.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, toàn bộ giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu nhà đất số 52 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội đều đứng tên Công ty cổ phần tập đoàn Đông Đô nhưng trong GPXD tạm số 631 2012/GPXDT do ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân ký lại cấp cho cá nhân bà Nguyễn Thị Kim Dung.

Báo Kinh doanh & Pháp luật kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân kiểm tra công trình xây dựng vượt phép này và có biện pháp xử lý kip thời, tránh để hậu quả cho công tác GPMB về sau. 

Hữu Nam

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục