Thanh tra việc doanh nghiệp Việt bị thu phụ phí cảng biển lên đến 2.300 tỷ đồng

(Kinhdoanhnet) - Rà soát các loại phụ phí thu theo cước vận tải biển mà các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam đang thu, đối chiếu với thông lệ quốc tế đang áp dụng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra việc thu các loại phụ phí theo cước vận tải biển của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam để xử lý theo quy định.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát các loại phụ phí theo cước vận tải biển mà các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang thu, đối chiếu với thông lệ quốc tế đang áp dụng, đề xuất ban hành quy định về danh mục các loại phụ phí theo cước vận tải biển được áp dụng tại Việt Nam, quy trình đăng ký, kê khai, kiểm soát các loại phụ phí theo cước vận tải biển được áp dụng.

Theo thống kê của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hiện nay doanh nghiệp đang phải gánh 12 loại phụ phí các hãng tàu đang áp dụng thu, trong đó có nhiều loại phụ phí được cho là vô lý như phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container. Trong đó, phí kẹt cảng là phí gây nhiều bức xúc nhất cho doanh nghiệp khi cảng đã hết kẹt mà các hãng tàu vẫn thu của doanh nghiệp trong một thời gian dài.

Theo báo cáo của Hiệp hội Da giày Việt Nam, trong một năm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu da giày phải trả các loại phụ phí lên tới khoảng 110 triệu đô la Mỹ (hơn 2.300 tỉ đồng)

Các doanh nghiệp Việt Nam do không được trực tiếp đàm phán ký kết hợp đồng vận chuyển, thường bị áp đặt bị động, đồng thời vì chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc quản lý, giám sát thu phụ phí nên không bảo vệ được quyền lợi của chủ hàng và các hãng tàu thường lạm dụng để thu thêm một số loại phí khi hiện tượng biến động đã chấm dứt hoặc không xảy ra.

Lan Anh (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục