Thanh Hóa: Công khai 464 doanh nghiệp nợ thuế lên tới hơn 455 tỷ đồng

Cục Thuế Thanh Hóa vừa công khai thông tin về người nộp thuế có tiền thuế nợ lớn, kéo dài đến ngày 31/3/2023, trong đó có những doanh nghiệp nợ thuế nhiều như: Công ty CP Xây dựng HANCORP.2, Công ty CP Anh Phương Sài Gòn, Công ty CP Xây dựng số 5...

 

Cục thuế tỉnh Thanh Hóa công khai 464 đơn vị nợ thuế đến ngày 31/3/2023.
Cục thuế tỉnh Thanh Hóa công khai 464 đơn vị nợ thuế đến ngày 31/3/2023.

Trong số các doanh nghiệp bị nợ thuế, đơn vị nợ nhiều nhất là Công ty CP Xây dựng HANCORP.2, với số tiền hơn 36 tỉ đồng. Tiếp đến là các doanh nghiệp như: Công ty CP Anh Phương Sài Gòn nợ hơn 31 tỉ đồng, Công ty CP Xây dựng số 5 nợ hơn 26 tỉ đồng, Công ty CP sản xuất và thương mại Ba Lan – Bỉm Sơn nợ hơn 25 tỉ đồng, Công ty CP Bắc Trung Nam nợ hơn 15  tỉ đồng, Công ty TNHH  1thành viên Huy Hoan nợ hơn 14  tỉ đồng, Công ty CP LICOGI 15 nợ hơn 14 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư xây dựng điện Hồi Xuân Vneco nợ hơn 13 tỉ đồng,chi nhánh công ty CP Sông Đà 4 (Thành phố Hà Nội) nợ hơn 13 tỉ đồng.

Theo danh sách công khai, Cục Thuế Thanh Hóa quản lý 27 chi cục thuế và 01 VP Chi cục, với tổng số 464 doanh nghiệp nợ thuế, tổng số tiền nợ lên tới hơn 455,5 tỷ đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Cục thuế đã thực hiện biện pháp cưỡng chế là thông báo ngừng sử dụng hóa đơn đối với tất các các doanh nghiệp nợ thuế đến hết tháng 3 nêu trên.

Chi cục thuế có nhiều đơn vị nợ nhất là khu vực thành phố Thanh Hóa với 141 doanh nghiệp nợ tổng số tiền là hơn 75,1 tỷ đồng. Tiếp đến là Văn phòng cục với 71 doanh nghiệp nợ với tổng số hơn 232 tỷ đồng, khu vực Quảng Xương có 25 doanh nghiệp nợ tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, khu vực Triệu Sơn có 21 doanh nghiệp nợ thuế tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng, khu vực Đông Sơn có 13 doanh nghiệp nợ thuế tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng, khu vực Nông Cống có 11 doanh nghiệp nợ thuế tổng tiền hơn 13 tỷ đồng. Các khu vực miền núi như Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Ngọc Lặc không có đơn vị nào nợ đọng tiền thuế.

Một số doanh nghiệp chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng chung tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, một số tập đoàn lớn trong tỉnh khó khăn về tài chính, cắt giảm doanh số, không thanh toán công nợ, ngân hàng không cấp tín dụng hỗ trợ vốn lưu động… Tuy vậy, vẫn phải đảm bảo tiền lương, thưởng, đảm bảo việc làm cho người lao động nên dẫn đến chậm nghĩa vụ nộp thuế.

Trước tình hình nợ thuế gia tăng Cục Thuế Thanh Hóa trong thời gian tới ngành thuế sẽ tập trung triển khai một số giải pháp quản lý nợ một cách có hiệu quả và sâu sát cụ thể hơn đối với từng NNT (người nộp thuế).

Tích cực phối hợp với một số cơ quan như: Tài nguyên Môi trường để xử lý các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế chây ỳ nợ đọng thuế.

Tăng cường phối hợp Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng… trong việc thực hiện thu tiền nợ thuế; trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của NNT bị cưỡng chế theo đúng quy định…

Lan Anh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục