Thành công kiểm soát lạm phát 5 tháng đầu năm nhờ đâu?

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2014, trong 5 tháng đầu năm, việc kiểm soát lạm phát được coi là một trong những thành công đáng kể và đạt được những chỉ tiêu đã đề ra.

Thành công kiểm soát lạm phát

Tình hình diễn biến thực tế CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014, các chỉ số thống kê cho thấy, giá tiêu dùng tháng 5 tiếp tục tăng thấp so với tháng 4, làm cho CPI 5 tháng đầu năm nay tăng thấp nhất so với cùng kỳ 12 năm trước đó. CPI 5 tháng đầu năm nay thấp rất xa so với CPI 5 tháng bình quân 12 năm trước (4,53%).

Thời tiết nắng nóng trên cả nước dẫn đến nhu cầu đối với các dịch vụ nghỉ mát, du lịch, các mặt hàng giải khát, điện tử, điện lạnh phục vụ làm mát có xu hướng tăng. Thị trường các hàng hóa thiết yếu nhìn chung ít biến động, giá cả phần lớn các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón, đường, thức ăn chăn nuôi… tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ do nhu cầu đang trong giai đoạn thấp điểm hoặc nguồn cung dồi dào. Chính những yếu tố trên đã dẫn đến chỉ số CPI tháng 5 chỉ tăng 0,2% so với tháng 4. Tính chung, CPI 5 tháng đầu năm 2014 tăng 1,08% so với tháng 12/2013.

Trước tình hình này có thể thấy đây là tín hiệu khả quan để cả năm nay, CPI được kiểm soát ở mức 7% theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - đánh giá, nếu so sánh cùng thời điểm 3 năm gần đây, chỉ số CPI tháng 5/2014 đạt mức cao hơn (năm 2012, CPI tháng 5 tăng 0,18%, năm 2013 giảm 0,06%). Nhưng thực sự với mức tăng 0,2% là không lớn. CPI năm 2014 sẽ là năm thứ 3 liên tục tăng chậm lại.

Phân tích những yếu tố tác động đến CPI tháng 6, các thành viên tổ điều hành cho rằng, thị trường hàng hóa nhìn chung đang vào giai đoạn nhu cầu không cao, tính cả nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước

Thành công kiểm soát lạm phát 5 tháng đầu năm nhờ đâu? - Ảnh 1
 Chỉ số CPI tháng 5/2014 chỉ tăng 0,2% so với tháng 4/2014.

Yếu tố giúp cho lạm phát được kiểm soát thành công

Về yếu tố chi phí đẩy, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I so với cùng kỳ tăng 2,84%, thấp hơn chỉ số giá bán sản phẩm trong thời gian tương ứng (của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản tăng 5,14%, của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 5,21%). Giá nhập khẩu hàng hóa tính bằng USD giảm 2,68%. Giá USD bình quân 4 tháng so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,85%. Lãi suất vay ngân hàng cũng đã giảm xuống so với cùng kỳ.

Xét về tiền tệ - tín dụng, tốc độ tăng tín dụng đã giảm (từ 37,53% xuống 12,5%). Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 1%. Mặt bằng lãi suất huy động ổn định; lãi suất cho vay giảm nhẹ; tỷ trọng các khoản vay lãi suất cao trong tổng dư nợ đã giảm mạnh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng.

Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất tăng trở lại. Cụ thể 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt 45,7 tỷ USD, tăng 16,9%; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt trên 45 tỷ USD, tăng 13,7%; nhờ đó nền kinh tế xuất siêu khoảng 684 triệu USD... Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 6,7%; vốn ODA giải ngân tăng 6%.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những rủi ro tiềm ẩn khó khăn mới mà chúng ta cần hết sức lưu ý trong những tháng còn lại. Ví dụ như nền kinh tế dù có tăng trưởng nhưng chưa nhanh và chưa đột phá, tiềm ẩn rủi ro lớn, nhất là tác động từ sự kiện biển Đông vừa qua. Ảnh hưởng này có thể tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2014.

Thị trường chứng khoán thời gian qua cũng đạt được nhiều thành tựu, với tốc độ đáng mơ ước (trên 22%), chỉ số đã sụt giảm mạnh, có ngày đã trở về gần với điểm xuất phát đầu năm. Giá trị giao dịch giảm lớn, chỉ còn bằng trên dưới một nửa so với trước đây. Giá trị vốn hóa thị trường đã mất đi 5-6 tỷ USD, thậm chí, có ngày giảm hơn 3 tỷ  USD, mức giảm/ngày lớn nhất từ trước tới nay.

Trên thị trường vàng, giá vàng trong nước đã giảm xuống. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nếu cuối tháng 4 còn trên dưới 2 triệu đồng/lượng sau, thì trong tháng 5, đã tăng trở lại, có ngày lên đến 37 triệu đồng/lượng, đẩy chênh lệch lên tới 3,5 triệu đồng/lượng.

Về lãi suất, đã giảm và đang trên đà giảm, hiện chỉ còn khoảng 16% phải chịu lãi suất cao, do vay chi tiêu tiêu dùng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 6,7%; vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN 2 tháng ước đạt 16,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ; tổng chi NSNN đạt 14,9% dự toán, tăng 4,3%...

Đặc biệt, tình hình sản xuất kinh doanh và niềm tin của DN tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Theo đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tuy giảm so với tháng trước (chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài) nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng khá cao (15,2%); tính chung 2 tháng đầu năm tăng 5,4%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của DN tiếp tục khó khăn. Số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng thấp; tổng dư nợ tín dụng giảm...

Có thể thấy, một số nội dung của quan hệ cân đối cung - cầu đã có sự cải thiện. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đã có thông cáo nêu rõ sẽ sẵn sàng mọi biện phát ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng và khuyến cáo người dân bình tĩnh, thận trọng và có lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Diệu Hoa (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục