Thách thức về rủi ro môi trường và xã hội đối với ngân hàng, doanh nghiệp

Việc chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội của các ngân hàng, doanh nghiệp đã làm nảy sinh nhiều thách thức với chính họ và nền kinh tế.

Ngành ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động cho vay và quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Việc tăng cường quản lý rủi ro môi trường - xã hội là hoạt động cấp thiết giúp các ngân hàng hạn chế rủi ro, bảo toàn được nguồn vốn cho vay, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao uy tín tổ chức, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.

Hiện nay số ngân hàng quan tâm và đưa vấn đề này vào thực hiện trong toàn bộ quá trình xem xét, đánh giá thẩm định cấp tín dụng đối với khách hàng rất ít. Còn lại, phần lớn các ngân hàng còn vẫn còn coi trọng mục tiêu lợi nhuận mà bỏ qua hoặc xem nhẹ công tác quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Cụ thể, đó là những rủi ro nảy sinh trong quá trình xây dựng và triển khai dự án như: không đảm bảo điều kiện làm việc và lao động, sức khỏe, an toàn và an ninh cộng đồng; thu hồi đất và tái định cư không tự nguyện; bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, người thiểu số bản địa, di sản văn hóa… thiếu bền vững.

Chính sự chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro trên của các ngân hàng đã làm nảy sinh nhiều thách thức với chính họ và nền kinh tế. Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt với hàng loạt các rủi ro tác động tiêu cực tới thị phần hoạt động, cơ hội xâm nhập thị trường mới và khả năng tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước. Rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở nhiều ngành nghề như lâm nghiệp, nông sản và thực phẩm, hạ tầng, năng lượng, dầu khí... Việc không tiên liệu được những rủi ro từ MT&XH để đưa ra lộ trình xử lý có thể đẩy các DN đến bên bờ vực thẳm phá sản. Còn với TCTD, nếu không quản lý những rủi ro MT&XH một cách đúng đắn tại các dự án cho vay có thể phải gánh chịu những tổn thất do giảm giá trị tài sản thế chấp, đối mặt với những truy cứu trách nhiệm pháp lý, tổn thất uy tín, thị phần... 

Những vấn đề nêu trên là hồi chuông cảnh tỉnh cho hệ thống ngân hàng - với vai trò quan trọng là dẫn vốn trong nền kinh tế, họ phải tính đến yếu tố bền vững trong hoạt động quản trị rủi ro ngân hàng và hướng tới hệ thống ngân hàng xanh trong sự phát triển tổng thể của nền kinh tế xanh. Chính vì vậy, Thông tư của NHNN đang dự thảo quy định về quản lý rủi ro MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kỳ vọng ban hành vào tháng 6/2014 được coi là một bước đột phá trong quản trị chất lượng tín dụng. Quan trọng hơn, việc xây dựng hệ thống quản trị rủi ro MT&XH của ngân hàng sẽ không chỉ giúp chính các ngân hàng mở rộng thị phần tín dụng mà còn hỗ trợ DN trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến còn tỏ ra băn khoăn về tính thực thi và sự tuân thủ của cả ngân hàng, DN.

Thách thức về rủi ro môi trường và xã hội đối với ngân hàng, doanh nghiệp - Ảnh 1

Theo ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để phát triển kinh tế xanh, vai trò của hệ thống tài chính ngân hàng là không thể thiếu vì đây là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ngành ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển thông qua hoạt động cho vay và đầu tư. 

Khảo sát của IFC cho thấy, các bên xây dựng dự án ở thị trường đang phát triển hiện phải đối mặt với việc đánh giá và quản lý tích hợp các tác động và rủi ro tích luỹ liên quan đến dự án của họ. Là đối tác tư vấn kỹ thuật, cùng NHNN xây dựng quy định về phát triển hoạt động ngân hàng bền vững, chuyên gia môi trường Sudhi Mukhejee cho biết, IFC cũng đang hỗ trợ một số ngân hàng trong khu vực cải thiện năng lực quản lý các vấn đề MT&XH.

Để duy trì tăng trường kinh tế, tất yếu các ngân hàng cần chú trọng thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội, phù hợp với các chiến lược quốc gia. Theo đó, các dự án đầu tư có nguồn vốn tín dụng ngân hàng tham gia sẽ được ràng buộc bởi những quy định về bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên, khuyến khích các ngân hàng phát triển, mở rộng cho vay các dự án thân thiện với môi trường, đảm bảo an sinh xã hội. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu dự thảo các quy định và hướng dẫn liên quan nhằm xây dựng hướng dẫn này trong một thông tư của Ngân hàng nhà nước để quy định bắt buộc tất cả các ngân hàng áp dụng các nguyên tắc, chỉ tiêu, báo cáo về quản lý rủi ro môi trường, xã hội dự kiến ban hành vào tháng 6 tới đây.

Có thể nói, việc thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội là một việc làm cần thiết hiện nay, điều này không những giúp các tổ chức tín dụng ngày một phát triển mà còn góp phần hội nhập vào xu thế phát triển bền vững của toàn cầu.

Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục