Tết đến, dịch vụ đổi tiền lẻ lại trở nên sôi động

(Kinhdoanhnet) – Dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, các điểm đổi tiền lẻ, tiền mới lì xì đã hoạt động một cách rầm rộ với mức phí “cắt cổ” khách hàng. Tiền càng nhỏ thì mức phí dịch vụ này lại càng cao.

Dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, dịch vụ đổi tiền lẻ lại bắt đầu trở nên sôi động. Người dân muốn đổi tiền lẻ chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu đi lễ cuối năm còn nhu cầu đổi tiền để mừng tuổi Tết theo phong tục lại không nhiều. Nhu cầu này tăng cao đang mang về những người kinh doanh dịch vụ này cả đống tiền bởi phí của dịch vụ đang khá cao.

Cụ thể, tại TP.HCM nếu khách hàng muốn đổi 100.000 đồng loại tiền mệnh giá 500 đồng phải tốn 80.000 đồng tiền phí dịch vụ. Một số tiền mệnh giá khác như 10.000 đồng, 20.000 đồng đến giờ vẫn chưa chốt phí dịch vụ nhưng dao động từ 12%-20%. Thậm chí có nhiều điểm còn đưa ra lời khuyến cáo, nếu để đến cận Tết Nguyên đán thì phí dịch vụ rất cao.

Tết đến, phí đổi tiển lẻ lại “cắt cổ” khách hàng
Tết đến, phí đổi tiển lẻ lại “cắt cổ” khách hàng.

Còn tại Hà Nội mức phí dịch vụ cũng không hề kém cạnh, các điểm đổi tiền tại đền thờ, chùa chiền hầu như có mức giá chung là 130.000 đồng tiền cũ đổi được 100.000 đồng tiền mới nguyên xêri mệnh giá 1.000 đồng; 240.000 đồng tiền cũ mới đổi được 200.000 đồng tiền mới với mệnh giá 2.000 đồng. Với tiền nguyên cọc mệnh giá 500 đồng, muốn đổi 50.000 đồng phải mất tới 100.000 đồng, tức phí đổi tiền lên tới 100%.

Trên các trang mạng hiện nay cũng tràn ngập thông tin đổi tiền lẻ với đủ loại mệnh giá. Trong đó với loại tiền nguyên xêri mệnh giá 500 đồng phí 45%, mệnh giá 1.000 đồng phí 30%, 2.000 phí 20%, 5.000 đồng phí 15%... Với tiền mệnh giá 5.000, 10.000 và 20.000 đồng, nếu đổi với số lượng lớn thì phí chỉ 5%-7%. Thậm chí, loại tiền cực hiếm là tờ 10.000 đồng tiền cotton màu đỏ đã ngừng phát hành nhiều năm cũng được rao bán với tỉ lệ đổi 13-15 “ăn” 10.

Tuy nhiên không vì mức phí “đắt đỏ” trên mà các điểm đổi tiền lẻ vắng khách. Các điểm đổi tiền lẻ vẫn hoạt động công khai trong đó nơi tập trung dịch vụ đổi tiền lẻ nhiều nhất là khu vực đền chùa, di tích, nơi thu hút khách thập phương tham quan, đi lễ cuối năm, đầu năm như: Đền Bà Chúa Kho, chùa Hương, phủ Tây Hồ…

Không thể phủ nhận sự thành tâm của người dân Việt tại các miếu đền, chùa chiền. Tuy nhiên, những hoạt động trao đổi mua bán tiền lẻ với mức phí quá cao cùng với đó là việc rải tiền tràn lan đang dần làm xấu đi không gian chùa chiền ngày lễ, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Vì vậy cuối năm 2013, Thống đốc ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch trong dịp Tết Nguyên đán.  Năm nay, trước hoạt động đổi tiền với mức giá “cắt cổ” đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, xử lý hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch đang rầm rộ vào dịp cuối năm này.

Ngọc anh (TH)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục