Tập đoàn Sunhouse: Phần lớn bán hàng Trung Quốc?

Trong số sản phẩm bày bán tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội của Tập đoàn Sunhouse, phần lớn hàng điện máy có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tập đoàn Sunhouse: Phần lớn bán hàng Trung Quốc? - Ảnh 1
Hình ảnh Nồi cơm điện Sunhouse hàng Việt Nam ghi xuất xứ Trung Quốc gây xôn xao dư luận.

 

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin hình ảnh về sản phẩm nồi cơm điện SHD8602 của Công ty CP Tập đoàn Sunhouse có tem hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng ở dưới kệ bán hàng lại ghi xuất xứ Trung Quốc.

Liên quan đến thông tin này, tối 24/6, trên Website chính thức của Công ty CP Tập đoàn Sunhouse đã có thông báo lý giải sự việc.

Cụ thể, theo Tập đoàn Sunhouse, sản phẩm nồi cơm điện Sunhouse được sản xuất trên dây chuyền của Công ty TNHH Sản xuất Đồ gia dụng Sunhouse (công ty con) nhưng kệ hàng lại ghi xuất xứ Trung Quốc là do siêu thị ghi nhầm...!?

Cụ thể, Tập đoàn Sunhouse cho biết, hình ảnh sản phẩm được đặt tại bảng giá của siêu thị Co.op Mart ghi xuất xứ Trung Quốc dẫn đến hiểu lầm sản phẩm SHD8602 nhập khẩu Trung quốc. Trong khi đó sản phẩm này được sản xuất tại nhà máy Sunhouse Việt Nam.

Trước lý giải của Sunhouse, theo quan sát của chúng tôi tại website của Tập đoàn Sunhouse có địa chỉ miền là http://sunhouse.com.vn có rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu Sunhouse nhưng lại được ghi xuất xứ từ Trung Quốc như: Máy làm mát không khí SUNHOUSE SHD7738; nồi cơm điện 1.8L SUNHOUSE SHD8665G; Quạt tích điện Sunhouse SHD7112;...

 

Tập đoàn Sunhouse: Phần lớn bán hàng Trung Quốc? - Ảnh 2
Trong số sản phẩm bày bán tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội của Tập đoàn Sunhouse, phần lớn hàng điện máy có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh chụp tại siêu thị BigC chiều ngày 25/6/2019.

 

Tiếp tục tìm hiểu sản phẩm của Tập đoàn Sunhouse tại các siêu thị lớn Hà Nội như BigC Thăng Long, Mediamart, Pico… các sản phẩm bày bán tại đây của Tập đoàn Sunhouse có điểm chung là phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc.

Cụ thể, những sản phẩm điện máy giá trị lớn như máy làm mát, nồi cơm điện, quạt tích điện, bếp từ… đều ghi xuất xứ Trung Quốc. Chỉ có sản phẩm như chảo chống dính, nồi inox được ghi sản xuất Việt Nam, kèm theo đó là logo danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Những nghi vấn về chất lượng sản phẩm Sunhouse được lan rộng khi dư luận đang bức xúc trước thông tin Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

 

Tập đoàn Sunhouse: Phần lớn bán hàng Trung Quốc? - Ảnh 3
Máy làm mát dù mang thương hiệu Sunhouse nhưng xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

Cách đây hơn một năm dư luận xôn xao việc Khaisilk nhập khăn lụa Trung Quốc gắn mác khăn lụa Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng.

Dẫn thống kê của Tổng cục Hải Quan, Bộ Công Thương cho hay: Trong giai đoạn 2006 - 2009, Khải Đức có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, công ty này không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

 

Tập đoàn Sunhouse: Phần lớn bán hàng Trung Quốc? - Ảnh 4
Dễ dàng nhận ra bếp điện tử của Sunhouse nhưng thực chất là hàng Trung Quốc.

 

Theo Bộ Công Thương, công ty này đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho thấy cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).

Trong khi những bê bối từ vụ khăn lụa Khaisilk vẫn chưa xử lý dứt điểm thì những thông tin về Asanzo, hay mới đây Sunhouse rõ ràng khó làm người tiêu dùng yên tâm. Vi phạm về đạo đức kinh doanh cũng rất nghiêm trọng, đặc biệt là về tính trung thực của doanh nghiệp, sự tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng và lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Trong khi Đảng và Nhà nước đang ra sức kêu gọi lòng yêu nước của người dân trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì lòng yêu nước của bao người dân đã bị đánh lừa khi họ vô tình tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ngoại nhập chứ không phải là hàng hóa Việt Nam.

 

Theo Hoàng Lâm/Sức khỏe cộng đồng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục