Tăng trưởng tín dụng: Khó có thể chạm đích

(Kinhdoanhnet) - Để có thể đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 12-14%. Các ngân hàng giờ đây đang nỗ lực xử lý nợ xấu bằng cách hy sinh lợi nhuận trích lập dự phòng, bán nợ xấu cho VAMC... Tuy nhiên các ngân hàng giờ đây lại đang đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy trong năm nay sẽ khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Hiện tại Việt Nam đang đứng thứ 68 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF), như vậy Việt Nam đã tăng được 2 bậc trong bảng xếp hạng nhờ kinh tế ổn định, lạm phát thấp, các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn, quyền sở hữu tài sản được tăng cường, tham nhũng giảm, cơ sở hạ tầng về giao thông và năng lượng có cải thiện.

Trong bộ chỉ tiêu, trừ quy mô thị trường, Việt Nam đang xếp cao nhất (hạng 49) về hiệu quả thị trường lao động. Tuy nhiên, điểm thất vọng lớn nhất mà WEF chỉ ra là hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện còn khá yếu ớt trong bối cảnh nợ xấu chưa được công bố đầy đủ và tăng trưởng tín dụng vẫn còn rất ì ạch.

Tương tự, một báo cáo trước đó của tổ chức tư vấn Ernst & Young - EY ("Các thị trường tăng trưởng nhanh" quý II năm 2014) cũng nhắc đến việc tín dụng chậm mở rộng tại Việt Nam.

Vào ngày 12/08, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố con số tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 3,68%. Tín dụng "nhích” tăng cũng khiến tổng phương tiện thanh toán tính tới 31/7 tăng lên mức 7,36%, huy động vốn tăng 6,98% so với cuối năm 2013. Trong đó huy động bằng VND tăng 7,92% và huy động ngoại tệ tăng 1,31%.

Trong khi tín dụng đang ì ạch thì nợ xấu lại tăng khá nhanh. Bất ngờ nhất là VietinBank. Từ mức thấp trong hệ thống là 0,82% vào cuối năm ngoái, đã lên 2,53% vào tháng 6/2014. Nợ xấu của Vietcombank cũng đã tăng lên 3,09%, ACB tăng lên 3,6%, MB chính thức vượt mốc trên với 3,1%....

Nợ xấu tăng cao như hiện nay là do Thông tư 09 có hiệu lực yêu cầu khắt khe hơn trong việc xác định nợ xấu đã khiến các NH phải lộ dần những khoản nợ xấu trước đây vẫn che đậy. Thêm nữa số lượng các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản trong nửa đầu năm nay cũng tăng mạnh.

Theo số liệu thống kê, số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2014 là 33.454 DN, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng tín dụng: Khó có thể chạm đích
Tăng trưởng tín dụng: Khó có thể chạm đích.

Với diễn biến nợ xấu như hiện nay tại các ngân hàng có thể thấy rằng con số rủi ro này chưa hề giảm dù qua mỗi lần công bố, các ngân hàng đều rất tự tin tuyên bố về việc xử lý nợ xấu.

Nợ xấu tăng cao đã kìm hãm sự tăng trưởng của tín dụng, hiện nay tình trạng chung là hầu hết các ngân hàng đều giữ tiền, không dám cho vay do lo ngại nợ xấu, mất vốn, bị quy tội bất cứ khi nào. Thực sự nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay thì việc đầu tư gặp rất nhiều rủi ro, cho nên đa số ngân hàng nghĩ là để tiền trong tủ cho chắc chắn, sau này kinh tế hồi phục rồi tính tiếp.

Trước tình hình này, để có thể tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, NHNN cho biết sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số tổ chức tín dụng đồng thời tiếp tục tổ chức, triển khai chính sách tín dụng như: cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, chương trình liên kết "bốn nhà” trong lĩnh vực xây dựng...

Hy vọng những điều này sẽ góp phần kích thích tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên một thực tế cũng không thể phủ nhận được đó là tình trạng các doanh nghiệp còn khó khăn và không muốn tiếp cận nguồn vốn mới. Như vậy việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện nay vẫn còn là một gánh nặng đối với ngành.

Để có thể đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 12-14%. Các ngân hàng giờ đây đang nỗ lực xử lý nợ xấu bằng cách hy sinh lợi nhuận trích lập dự phòng, bán nợ xấu cho VAMC, xử lý thu hồi bằng tiền và phát mãi tài sản. Kinh doanh sẽ còn khó khăn hơn bởi yêu cầu đảm bảo an toàn, hiệu quả đặt ra cho ngành ngân hàng mỗi ngày một cao.

Thêm vào đó các ngân hàng còn phải tiếp tục đối mặt với vấn đề mới là sẽ áp dụng chuẩn Basel II với hàng loạt quy định khắt khe phải thực hiện nhằm đảm bảo an toàn khiến áp lực đối với các NHTM càng lớn hơn.

Chính vì vậy nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong năm nay sẽ khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng nếu cứ cố chạy đua nhằm đạt được mục tiêu thì chắc chắn dư nợ tín dụng sẽ dồn cục và khó tránh được việc tín dụng tăng "ảo" cuối năm.

Hoàng Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục