Tái cơ cấu ngân hàng: Sẽ cán đích đúng hẹn?

(Kinhdoanhnet) – Theo TS. Trần Du Lịch quá trình tái cơ cấu trong thời gian qua đã đi đúng hướng. Đồng thời vị chuyên gia này kỳ vọng với những giải pháp quyết liệt đang được triển khai, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể hoàn thành được đúng mục tiêu đề ra trong năm 2015 là xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém.

Sau gần 3 năm thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại phù hợp với từng loại hình tổ chức tín dụng, quá trình tái cơ cấu các Ngân hàng thương mại đã thực hiện được các mục tiêu và theo đúng lộ trình được duyệt. Trong đó thành công nổi bật là đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định trong toàn ngành ngân hàng, góp phần ổn định hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô.

Tái cơ cấu ngân hàng: Sẽ cán đích đúng hẹn?
Tái cơ cấu ngân hàng: Sẽ cán đích đúng hẹn?

2015 là năm cuối cùng trong đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Do đó, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra mục tiêu sẽ triển khai quyết liệt việc thực hiện M&A đối với ngành ngân hàng. Theo đó, khuyến khích các ngân hàng lớn mua ngân hàng nhỏ để hình thành ngân hàng khỏe mạnh hơn.

Chính vì vậy từ đầu năm đến nay, không khí tái cấu trúc ngân hàng đã trở nên khẩn trương hơn, các thương vụ sáp nhập diễn ra dồn dập hơn. Điển hình như thương vụ ngân hàng MHB sáp nhập vào BIDV; PGBank sáp nhập vào Vietinbank; Mê Kông Bank sáp nhập vào MaritimeBank... Thậm chí một số ngân hàng quá yếu kém không thể tự mình tái cơ cấu được như VNCB, Oceanbank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ (100%) cổ phần với giá 0 đồng/CP. Trong bối cảnh hiện nay thì đây là những phương án tối ưu đối với Ngân hàng nhà nước.

Đánh giá về tiến trình tái cơ cấu này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, quá trình tái cơ cấu trong thời gian qua đã đi đúng hướng. Đồng thời vị chuyên gia này kỳ vọng với những giải pháp quyết liệt đang được triển khai, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể hoàn thành được đúng mục tiêu đề ra trong năm 2015 là xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế lại cho rằng với tiến trình tái cơ cấu quyết liệt như giai đoạn hiện nay, chậm nhất đầu năm sau, Ngân hàng Nhà nước sẽ cơ bản đạt được mục tiêu của Đề án 254.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài những biện pháp đang thực hiện Ngân hàng Nhà nước cần phải đưa ra nhiều giải pháp mang tính thị trường hơn, kể cả trong hoạt động mua bán, sáp nhập ngân hàng lẫn xử lý nợ xấu.

Ngọc anh (TH theo Sài Gòn Đầu tư; Báo Đầu tư; TN)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục