Ngày 20/3/2015, trinh sát phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP.HCM phối hợp với trinh sát kinh tế Công an quận 10 (TP.HCM) bắt quả tang Phạm Văn Chánh (20 tuổi, ngụ quận 8) đang giao 24 lon sữa (loại 400 gram) hiệu Abbott - Ensure Gold, 12 lon sữa (loại 850 gram) hiệu Abbott Glucerna, tất cả đều là hàng giả cho một cửa hàng mua bán sữa trên đường Tân Phước, P6, Q5. Chánh khai được cha dượng là Hồ Bảo Sơn kêu đi giao số hàng trên.
Từ lời khai của đối tượng, ngày 21/3/2015, lực lượng chức năng đã tiến hành bắt khẩn cấp Hồ Bảo Sơn (65 tuổi, ngụ đường Nhật Tảo, P4, Q10) để điều tra hành vi sản xuất lương thực, thực phẩm giả.
Cơ sở sản xuất sữa bột giả bị lực lượng chức năng phát hiện ngày 20/3
Khám xét nhà của Sơn trên đường Nhật Tảo, cơ quan công an thu giữ 33 lon sữa thành phẩm mang thương hiệu Abbott Ensure Gold loại 400 gram, 8 lon Ensure Gold loại 840 gram, hơn 20 lon sữa loại 400, 850 gram Glucerna, hơn 100 vỏ lon sữa các loại và nhiều máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhãn mác sử dụng để sản xuất sữa giả.
Tại cơ quan điều tra, Sơn khai làm sữa giả bằng cách đi thu gom vỏ lon sữa ngoại tại các vựa ve chai, sau đó về làm sạch, mua các loại sữa rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường rồi đóng gói, mang đi tiêu thụ.
Khi mua, những người này thường yêu cầu các lon mua còn nguyên vẹn đầy đủ nắp, không rỉ sét, hộp mới, không móp méo, xước xát, hạn sử dụng còn dài giá sẽ cao hơn. Thông thường, các lon sữa được thu mua với giá từ 2.000 đến 5.000 đồng.
Cụ thể như có người đưa ra mức giá như sau: sữa Abbott các loại lon 900g có giá 5.000 đồng, lon 400g giá 3.000 đồng; sữa Enfagrow giá 4.000 đồng/lon lớn, 2.000 đồng/lon nhỏ; sữa Dumex Gold 4.000 đồng/lon lớn, 3.000 đồng/lon nhỏ; sữa Dutch Lady 3.000 đồng/lon lớn, 2.000 đồng/lon nhỏ; sữa Vinamilk Dilac Alpha 2.000 đồng/lon lớn,1.000 đồng/lon nhỏ, sữa Pediasure 3.000 đồng/lon lớn, 2.000 đồng/lon nhỏ.
Cảnh giác với sữa giả
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có nhiều cách để phân biệt sữa thật hay giả. Cách đơn giản nhất là xem mã vạch sản phẩm để biết nguồn gốc xuất xứ: Ví dụ sản xuất tại Mỹ sẽ có đầu số mã vạch dài nhất (000-039), Nhật có 2 đầu số (450-459 và 490-499), Trung Quốc có một đầu số (690-695).
Cách thứ hai là xem hạn sử dụng, người tiêu dùng cần chú ý bởi hạn sử dụng là thứ dễ bị làm giả nhất. Nếu thấy có yếu tố cạo sửa và mực in hạn sử dụng bị nhòe thì là sữa giả. Nếu ngày sản xuất và hạn sử dụng không khớp tròn 2 hoặc 3 năm thì chắc chắn hạn sử dụng đã bị can thiệp.
Mặt khác, những người có kinh nghiệm cũng khuyến cáo về việc sữa giả sẽ rất mau tan khi vừa đổ nước ấm vào. Sữa giả cũng không nổi lên như sữa thật mà chìm xuống rất nhanh, có sữa mùi hơi nồng chứ không dễ chịu.
Quảng cáo thu mua lon sữa đã sử dụng hết công khai trên mạng
Và có một điều mà sữa giả không thể giống được sữa thật chính là lượng chất xơ trong sữa bởi trẻ em uống sữa giả bao giờ cũng bị tiêu chảy.
Trao đổi với báo chí gần đây, ông Trần Hữu Đức, phụ trách quan hệ đối ngoại Công ty Nutifood, cho biết người tiêu dùng Việt thường ưa chuộng sữa ngoại, do đó nếu đã làm các sản phẩm giả mạo thương hiệu thì những nhãn hiệu bán cao giá nhất sẽ bị giả mạo nhiều nhất nhằm trục lợi bất chính lớn nhất.
Nguy hiểm hơn là những kẻ làm sữa giả thường mua những nguyên liệu, sữa kém chất lượng, giá rẻ trôi nổi ngoài thị trường về đóng vào lon sữa của các hãng. Điều này có nghĩa, đã có rất nhiều người tiêu dùng đã phải bỏ tiền mua phải những loại sữa rởm, không chỉ tổn hại về kinh tế mà nguy hiểm cho sức khỏe.
Sau khi sử dụng hết lon sữa không nên vì cái lợi nhỏ mà giữ lại lon bán ve chai. Trước khi vứt bỏ hay mang bán, nên đập bẹp hoặc làm cho lon sữa không còn nguyên vẹn. Đó là kinh nghiệm của nhiều bà mẹ chia sẻ với nhau trước thực trạng sữa giả tràn lan, báo động đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Minh Minh (t/h)