Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong 9 tháng vừa qua, cả nước có gần 81.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đăng ký 630.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước. Dự kiến, năm nay sẽ có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử nước ta.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, sự thay đổi đáng kể nhất là ở thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh ở các địa phương. Trung bình thời gian xử lý hồ sơ mới thành lập của cả nước là 2,9 ngày; Hà Tĩnh là địa phương xử lý hồ sơ DN nhanh nhất 1 ngày; Tiền Giang 1,3 ngày; Hậu Giang là 1,32 ngày và Đà Nẵng là 2,52 ngày.
Trong đó, 93% được chấp nhận ngay từ lần đầu tiên, giúp DN tối đa hóa chi phí...
Theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ưng, nguyên nhân giúp số lượng doanh nghiệp tăng không chỉ do hai luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Tuy nhiên, hai bộ luật này đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra con số tăng.
"Cùng thời điểm Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thi hành, Chính phủ cũng có nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi", ông Phan Đức Hiếu cho biết.
"Rõ ràng, doanh nghiệp sinh ra nhưng nó phải sống, tồn tại và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung. Kể từ khi có Chính phủ mới, tinh thần cải cách và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trở lên rõ ràng, quyết liệt. Ở địa phương, họ cũng có áp lực và nhu cầu thực sự từ nội tại mong muốn có cộng đồng doanh nghiệp phát triển ở địa phương mình".
Nhận định về những khó khăn vướng mắc sau 1 năm triển khai thực hiện 2 Luật, đánh giá chung tại Hội nghị cho rằng, phần lớn các khó khăn vướng mắc phát sinh là do sự thiếu nhất quán, đồng bộ giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư.
Đây cũng là lý do giải thích tại sao việc sửa đổi các luật chuyên ngành cũng như nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư, kinh doanh nhằm khắc phục những điểm còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành cần được đẩy nhanh.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp, không phân biệt loại hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) Quách Ngọc Tuấn cho biết, đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dự kiến sắp tới sẽ bãi bỏ 50 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hoặc trùng lặp với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác; chuẩn hóa tên gọi của 29 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và bổ sung 14 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ còn 231 ngành, nghề, giảm 36 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành.
Thu Hà (TH theo VTV, Chinhphu.vn)