Cụ thể, ngày 27/6 Cục an toàn thực phẩm, Bộ y tế cho biết, trên một số website trong đó có cả website http://bit.ly/2Kqo1jz (shopee.vn) có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Proxerex vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Sản phẩm này do Công ty TNHH Dược phẩm Liên Hợp (Địa chỉ: 480C Nguyễn Thị Thập, Phường Tân Quy, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.
Ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm đã mời Công ty TNHH Dược phẩm Liên Hợp lên làm việc, tuy nhiên đại diện Công ty khẳng định sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Proxerex đang quảng cáo trên các website http://bit.ly/2Kqo1jz (shopee.vn) không phải do Công ty TNHH Dược phẩm Liên Hợp thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên website này. Do đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Proxerex tại website này.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Proxerex.
Tương tự, ngày 3/6 Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nanocumin rao bán tại sàn thương mại điện tử Shoppe.
Phía Công ty Cổ phần Bioscope Việt Nam (Địa chỉ: Số nhà 10 đường 1D, khu dân cư Melosa Khang Điền, khu phố 3, phường Phú Hữu, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm đã khẳng định các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nanocumin đang quảng cáo trên các website Shoppe không phải do Công ty thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên website này.
Ngày 1/6, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe siro Halucan Kisd trên website shopee.vn do vi phạm quy định quảng cáo. Cụ thể, quảng cáo công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe siro Halucan Kisd.
Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm khác từng quảng cáo trên Shoppe bị Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo như Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Kingphar New do Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam (Địa chỉ: Số B58 đường Nguyễn Thị Định, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm;
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Soy Protein (Dietary Supplement: Soy Protein) do Công ty TNHH Uncity Maketing Việt Nam (Địa chỉ: Số 141, đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm...
Tất cả các sản phẩm này đều vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Điều đáng nói, các Công ty công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm đều khẳng định các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe này không phải do Công ty thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên website.
Có lừa dối người tiêu dùng?
Ảnh minh họa
Ở Việt Nam, Shopee là một trong những trang thương mại điện tử dẫn dầu. Cụ thể, quý I/2019, Shopee vươn lên thống lĩnh với 40,7 triệu MAU trong khi Lazada xuống hạng 3, chỉ còn 29 triệu, theo dữ liệu của Iprice.
Đã có nhiều khách hàng từng phàn nàn trang thương mại điện tử này tự ý hủy đơn hàng, mua sản phẩm này giao sản phẩm khác, giao chậm, thậm chí sản phẩm còn hàng nhái, kém chất lượng...
Điều đáng nói, mỗi khi gặp hàng lỗi, hàng thiếu, người mua thường liên hệ trực tiếp với bên bán, vì thông tin tiếp nhận khiếu nại từ khách hàng của Shopee không được nhận biết dễ dàng. Có lẽ, đây là cơ sở để Shopee không phải nhận nhiều trách nhiệm về những sơ xuất của shop bán hàng trực thuộc.
Theo tìm hiểu, khi bán hàng trên trang thương mại điện tử thì phía đại lý, nhà phân phối sẽ liên hệ với trang website bán hàng trực tuyến để kí kết hợp tác. Do đó, những sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bắt buộc phải có giấy tờ, tem mác cụ thể để khi cần xuất trình cho đơn vị quản lý và khách hàng nắm rõ.
Shopee đứng trên danh nghĩa là nhà dịch vụ cung cấp sản phẩm. Vì vậy, các sản phẩm tại sàn thương mại điện tử Shopee đều phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của sản phẩm.
Thế nhưng, có một số sản phẩm mà Shopee quảng cáo trên website lại đang đi ngược với tiêu chí đề ra, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Phải chăng, còn nhiều sản phẩm khác của Shopee đang bán cũng không đủ điều kiện.
Sàn thương mại điện tử Shopee liệu có đang cố tình ủng hộ việc đối tác đưa sản phẩm vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm, không rõ nguồn gốc vào để bán đánh lừa người tiêu dùng hay không?
Đặc biệt với những lô hàng bị Cục An toàn thực phẩm, Bộ y tế "tuýt còi" như trên, hiện chưa biết đã đến tay bao nhiêu khách hàng và đã có bao nhiêu người đang sử dụng? Trong trường hợp người tiêu dùng gặp rủi ro thì ai sẽ là người đứng lên chịu trách nhiệm, bởi doanh nghiệp vẫn liên tục từ chối trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử này!
Hà Phương