Sẽ thanh tra một loạt ông lớn FDI

(Kinhdoanhnet) - Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế, khẳng định, thời gian tới, sẽ thanh tra các doanh nghiệp nằm trong diện nghi vấn chuyển giá

Ông Nguyễn Đẩu, phó vụ trưởng Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế khẳng định, sau khi công bố kết quả thanh tra Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN (Metro), điểm ngắm sắp tới là các doanh nghiệp nằm trong diện nghi vấn chuyển giá.

Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế cho biết, để vào một doanh nghiệp nào, nhất là các doanh nghiệp lớn, chúng tôi phải chuẩn bị. “Không làm thì thôi, làm thì phải tới nơi tới chốn”, ông Đẩu nói. Theo đó, Cơ quan Thanh tra Tổng cục Thuế đang thu thập tài liệu, kể cả tài liệu nước ngoài, chỉ cần có căn cứ là cơ quan thuế sẽ vào ngay các “ông lớn”.

Liên quan đến việc ông lớn Metro chuyển giá, ông Đẩu chia sẻ: "Sai phạm về chuyển giá của Metro VN là đúng vì chuyển giá có nhiều hình thức. Thứ nhất là Metro VN đã chuyển tiền ra nước ngoài bằng dịch vụ như trả lương. Thứ hai là Metro VN đã có hình thức trả phí nhượng quyền thương mại cho phía công ty mẹ ở Đức trong khi theo tìm hiểu, ngay quy định của Đức cũng không cho chuyện công ty mẹ nhượng quyền thương mại cho công ty con."

Những ông lớn trong diện nghi vấn

Báo Dân trí cho biết, Keangnam Vina (công ty 100% vốn Hàn Quốc của Keangnam) chính thức vào Việt Nam từ tháng 7/2007 và liên tục báo lỗ trong suốt mấy năm hoạt động.

Năm 2013, Keangnam Vina nổi "đình đám" với thông tin về chuyển giá nhằm trốn thuế gần 100 tỷ đồng với khoản chuyển giá 1.220 tỷ đồng. Kèm theo đó, hàng loạt mánh lới chuyển giá của đại gia xứ Hàn này đã bị phơi bày cho thấy bằng những thủ thuật dàn xếp về giá vốn xây dựng, nâng khống đầu vào, một khoản lợi nhuận kếch sù đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc. 

Cũng theo Dân trí, Nhãn hiệu đang thống lĩnh thị trường đồ uống tại Việt Nam là Coca - Cola cũng không tránh khỏi những lùm xùm liên quan tới nghi vấn chuyển giá. Với doanh thu tăng theo từng năm, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng nhưng Coca - Cola liên tục báo lỗ và chưa từng đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào tại Việt Nam.

Trước đó, năm 2012, Adidas đã bị Cục Thuế TP HCM đưa vào tầm ngắm thanh tra do nghi ngờ có dấu hiệu giao dịch liên kết, trong đó các công ty cùng hệ thống mua bán lòng vòng nhằm chuyển lợi nhuận từ Việt Nam sang quốc giá có thuế suất thấp hơn nhằm tránh phải nộp thuế tại Việt Nam. Kết luận của Cục Thuế TP HCM thời điểm đó chỉ ra rằng, dù hoạt động theo giấy phép kinh doanh là phân phối bán buôn nhưng Adidas Việt Nam lại phát sinh hoàng loạt chi phí của nhà bán lẻ. 

Ngoài ra, danh sách các doanh nghiệp FDI nằm trong diện nghi vấn chuyển giá còn có một số tên tuổi khác như Pepsico, Nike, hay Nestlé... Trong đó, Pepsico cũng báo thua lỗ kéo dài từ năm 1991 và lũy kế đến hết năm 2010 lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Hay Nestlé báo lỗ hơn 30,8 triệu USD sau 18 năm hoạt động tại Việt Nam. Dù vậy Nestlé vẫn không ngừng đổ thêm tiền vào thị trường Việt Nam để xây thêm nhà máy mới, nâng tổng vốn đầu tư lên tới 466 triệu USD

Ninh An (Th theo Dân trí, Tuổi trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục