SCB “chây ì” lên sàn: Sợ minh bạch nợ xấu hay “sân sau”?

Là một trong 3 ngân hàng ít ỏi “chây ì” không đưa cổ phiếu lên thị trường chứng khoán theo quy định, SCB đang sợ điều gì, sợ minh bạch nợ xấu hay “sân sau”?

Chây ì lên sàn

Trong Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018, yêu cầu niêm yết đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra và nhận được sự đồng tình lớn của giới đầu tư chứng khoán.

Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UPCoM.

Đưa cổ phiếu ngân hàng lên sàn chứng khoán trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi tới đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thống nhất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý I/2021. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật.

SCB “chây ì” lên sàn: Sợ minh bạch nợ xấu hay “sân sau”? - Ảnh 1

Trong năm 2021, 3 ngân hàng cấp tập lên sàn chứng khoán đó cổ phiếu OCB của Ngân hang TMCP Phương Đông (OCB), cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) niêm yết trên HoSE và cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) niêm yết trên HNX. Cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) được giao dịch trên sàn UPCoM.

Tuy nhiên, vẫn có 3 đơn vị chây ì, “cãi lệnh” của Ngân hàng Nhà nước. Đó là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Trong đó, SCB là cái tên được chú ý nhất vì SCB là đơn vị có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam.

Sợ minh bạch nợ xấu?

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc Đầu tư khối ngoại quỹ DGInvestment nhận định lý do khiến ngân hàng chần chừ lên sàn đó là sợ công khai minh bạch, nhất là những ngân hàng có kết quả kinh doanh yếu kém.

Hoặc có những ngân hàng nợ xấu lớn chưa được xử lý, chủ yếu là hậu quả tồn đọng trong thời gian dài để lại. Nếu lên sàn tại thời điểm này, định giá cổ phiếu chưa tối ưu, nên lãnh đạo muốn chọn thời điểm thuận lợi hơn.

Nhận định này của TS Nguyễn Duy Phương rất phù hợp với tình hình tại SCB.

Thứ nhất, về kết quả kinh doanh, dù có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần nhưng lợi nhuận của SCB vô cùng bèo bọt.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản SCB đạt 703.155 tỷ đồng, tăng 69.358 tỷ đồng, tương đương 10,9% so với năm 2020, cao hơn tất cả các đơn vị còn lại ngoại trừ nhóm tứ đại gia ngân hàng bao gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank.

Thế nhưng, lợi nhuận SCB lại rất bèo bọt, không bằng 1/10 các đơn vị trong Top 5 các ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của SCB chỉ đạt 1.140 tỷ đồng. Còn 4 năm trước đó, chỉ tiêu này là con số rất khiêm tốn: 120 tỷ đồng (năm 2017), 169 tỷ đồng (năm 2018), 175 tỷ đồng (năm 2019) và 542 tỷ đồng (năm 2020).

Thứ hai, về vấn đề nợ xấu, nợ xấu của SCB đã được “làm đẹp” nhờ VAMC.

Tại ngày 31/12/2021, nợ xấu tại SCB là 3.966 tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng dư nợ tín dụng, giảm mạnh so với cuối năm 2020 cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ.

Thế nhưng, trên thực tế lại không được “màu hồng” như vậy vì VAMC đã “gánh” cho SCB.

Tại ngày 31/12/2021, giá trị trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tăng từ 30.833 tỷ đồng lên 37.085 tỷ đồng. Nếu con số này không được chuyển sang VAMC thì nợ xấu tại SCB có thể lên tới 41.045 tỷ đồng, tương đương 11,4%, cao hơn rất nhiều so với đa số các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Hay sợ “sân sau”?

Hiện tại, 8 ngân hàng đang bị thanh tra việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, một số đơn vị được tin là rót tiền vào “sân sau”. Dù không có tên trong danh sách này, SCB vẫn được đồn thải là liên quan tới một số đại gia bất động sản.

Có 2 cách rót tiền vào doanh nghiệp. Đó là qua hoạt động cho vay và đầu tư trái phiếu.

Trong báo cáo hợp nhất quý 4/2021, ở phần Cho vay khách hàng, SCB không đưa thông tin về lĩnh vực cho vay như đa số các ngân hàng khác. Điều đó có nghĩa tỷ lệ cho vay vào từng ngành nghề cụ thể, đặc biệt là bất động sản tại SCB không được công khai. Nếu lên sàn, có lẽ tình hình sẽ khác.

Ngoài ra, hiện tại, giới đầu tư vẫn đang hướng tới SCB sau lùm xùm liên quan đến dự án số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh. Thanh tra Chính phủ đã kết luận chủ đầu tư lập dự án “khống” và mang dự án thế chấp tại SCB để vay 6.308 tỷ đồng.

 

PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục