Sau thông tư 22, DN vàng đang lúng túng hay “làm khó” cơ quan quản lý?

(Kinhdoanhnet) - Thông tư 22/2013 ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ có hiệu lực từ 1/6/2014. Tuy nhiên sau gần 1 tháng thực hiện, các doanh nghiệp vẫn khá lúng túng trong việc thực hiện quy định mới này.

Từ ngày 1/6, các doanh nghiệp kinh doanh vàng buộc phải tuân thủ các quy định về đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng, tuổi vàng, độ tinh khiết… trên từng sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường theo quy định trong Thông tư 22/2013 của Bộ Khoa học - công nghệ.

Tuy vậy, theo khảo sát, hiện đa phần các doanh nghiệp đều chưa áp dụng theo đúng nội dung Thông tư 22, ít nhất ở việc ghi đầy đủ thông tin trên từng sản phẩm.

Nhiều cửa hàng bán đồ trang sức nhỏ lẻ vẫn bày bán các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ tồn kho hoặc sản xuất theo quy cách cũ. Các sản phẩm vẫn được ghi theo tuổi vàng (14K, 18K, 24K…), chứ không ghi hàm lượng theo đúng quy định.

 

Sau thông tư 22, DN vàng đang lúng túng hay “làm khó” cơ quan quản lý? - Ảnh 1

Từ trước và sau thời điểm thực hiện Thông tư, nhiều doanh nghiệp kêu bị Thông tư “làm khó” bởi những quy định mới về chất lượng vàng. Ngay cả khi Thông tư đã có hiệu lực gần 1 tháng, các doanh nghiệp vẫn có những câu hỏi như vừa mới được tiếp cận với văn bản này.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thông tư này đã được ban hành từ hơn nửa năm, vậy tại sao chủ doanh nghiệp để đến bây giờ mới tìm hiểu. Thậm chí, ông còn cho rằng, không loại trừ khả năng đây chỉ là động tác của một số doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân nhằm tạo ra làn sóng áp lực giả tạo lên cơ quan điều hành, lợi dụng dư luận xã hội để trục lợi.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA cho biết, trong khoảng 3.000 DN sản xuất - kinh doanh nữ trang tại TP.HCM, chỉ có khoảng 10% DN là những đầu mối lớn mới biết đến Thông tư 22.

Đa số DN chưa có sự chuẩn bị, hoặc kêu khó khăn, vướng mắc cho việc thực hiện Thông tư 22. Trong khi đó, đây lại là quy định bắt buộc đối với việc kiểm soát vàng trang sức, mỹ nghệ. Nếu DN nào vi phạm sẽ bị phạt khá nặng, thậm chí tịch thu hàng hóa.

Thị trường vàng đã có nhiều biến chuyển khi thông tư 22 có hiệu lực,, trong khi các DN lớn lĩnh vực này đã sẵn sàng thì DN nhỏ lẻ, thủ công lại đang tỏ ra lúng túng, nhất là với xử lý hàng tồn kho.

Với quy định mới, tất cả các mã ký hiệu hàng hóa đều phải ghi rõ trên sản phẩm để khách hàng nhận biết. Nhưng theo các chủ tiệm vàng, với sản phẩm nữ trang thường nhỏ và mỏng, nên rất khó có thể ghi hết ký hiệu của nhà sản xuất cũng như mã hàng hóa lên từng sản phẩm.

Mặt khác, để làm được điều này đòi hỏi phải đầu tư máy móc rất tốn kém. Trong khi, lâu nay, các chủ sản xuất nữ trang vẫn ghi theo lô hàng, ngoại trừ mã ký hiệu của sản phẩm do DN tự đặt.

Có khoảng 12.000 đơn vị được sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang đã được NHNN cấp phép. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới có chưa đến 100 DN có máy kiểm định vàng huỳnh quang tia X. Một số DN đã trang bị máy, nhưng lại không phù hợp với quy định mới, do tỷ lệ sai số chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo quy định, DN muốn sử dụng thiết bị xác định hàm lượng vàng huỳnh quang tia X phải có giấy phép tiến hành công việc bức xạ trước khi sử dụng do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp.

Việc gắn trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm bày bán trên thị trường để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là một bước đi đúng và cần thiết phải thực hiện để quản lý chất lượng vàng trang sức.

Trên thị trường, sản phẩm vàng trang sức của các DN lớn, có thương hiệu chỉ chiếm 20%, còn lại là của các cơ sở nhỏ lẻ và hàng nhập khẩu, nhập lậu. Do không được kiểm soát, nhiều năm qua, hầu hết DN vàng trang sức trên thị trường đều gian lận tuổi vàng, gây thiệt hại cho người tiêu dung.

Vì vậy, dư luận mong mỏi cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc cho DN trong thực thi pháp luật, đồng thời kiên quyết thực hiện quy định mới để bảo vệ người tiêu dùng.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục