Sau lùm xùm về hàng hóa, Sunhouse bị dân 'tố' gây ô nhiễm?

Nhà máy của Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse liên tục xả nước thải, khói đen ra môi trường khiến người dân phẫn nộ.

Nhiều năm nay Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse tại xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội liên tục xả khói ra bên ngoài môi trường khiến nhiều hộ dân sống xung quanh vô cùng phẫn nộ.

Sau lùm xùm về hàng hóa, Sunhouse bị dân 'tố' gây ô nhiễm? - Ảnh 1
Khói đen bay mù mịt kèm theo mùi khét khiến người dân vô cùng phẫn nộ. (Ảnh người dân chụp ngày 8/4/2019).

 

“Lắm lúc xả khói mà cứ tưởng cháy nhà, mùi khét lẹt, khói bốc lên mù mịt không còn nhìn thấy cái gì. Nhiều lúc gió bay xuôi vào nhà làm cả gia đình tôi ngứa hết người”, bà Nguyễn Thị Nhận, người dân sống gần nhà máy của Sunhouse bức xúc.

Người dân cho biết, ngoài xả khói, nhà máy của Sunhouse còn đổ nước thải trực tiếp ra môi trường. Điều đáng nói ở đây, nước thải này được xả chung với nước của người dân sử dụng để tưới tiêu khiến cá và cây cỏ xung quanh chết rất nhiều. Nguồn nước bị ô nhiễm không thể sử dụng trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất khiến người dân gặp nhiều khó khăn.

“Cứ mỗi lần nước mưa về là nhà máy của Sunhouse lại xả trộm nước thải, trắng như nước vo gạo, cá chết hết. Nước chảy đến đâu cỏ chết đến đó, không có con cá nào sống được. Tôi mong muốn cấp trên giải quyết, không là ô nhiễm hết nguồn nước”, ông Đỗ Danh Giáp, người dân xã Ngọc Liệp, Quốc Oai cho biết.

Do hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đưa nước sạch về nên người dân phải mua nước bình đóng chai để nấu ăn, còn sinh hoạt hàng ngày người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh. Cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân xã Ngọc Liệp, Quốc Oai vô cùng khó khănvà bất tiện.

Theo thông tin tìm hiểu, Tập đoàn Sunhouse đã từng bị UBND TP. Hà Nội phạt hành chính 300 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện. Những làn khói đen kịt theo đó là mùi khét vẫn diễn ra hàng ngày hàng, hàng giờ và người trực tiếp chịu những ảnh hưởng là toàn bộ các hộ dân sống xung quanh nhà máy của tập đoàn Sunhouse.

Ông Giáp cho biết trước đây khu đất trang trại, xóm Tượng, Ngọc Liệp có hai bờ mương nhưng bị nhà máy của Sunhouse lấn mất một bên, dù đã đưa đơn lên huyện và xã nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Thêm vào đó, Tập đoàn Sunhouse còn lắp một cây ATM ngay giữa đường mương khiến con đường vốn đi được hai chiều giờ đây chỉ còn lại một lối đi nhỏ.

Vào đầu tháng 9/2017, Môi trường và Đô thị Việt Nam đưa tin về việc từ khi nâng công suất nhà máy tới nay, công ty chưa có bản báo cáo đánh giá tác động môi trường? Trong thời gian đó, khí thải, chất thải với số lượng lớn gần gấp rưỡi số lượng ban đầu sẽ được xử lý ra sao? Liệu rằng cơ quan chức năng có bao che cho những sai phạm của nhà máy thuộc tập đoàn Sunhouse hay không?

Trước đó, 10/8, Đoàn liên ngành gồm Sở TN&MT và các cơ quan chức năng liên quan đã kiểm tra nhà máy Sunhouse tại cụm công nghiệp Ngọc Liệp, Quốc Oai.

Sau lùm xùm về hàng hóa, Sunhouse bị dân 'tố' gây ô nhiễm? - Ảnh 2
Người dân cho biết, nhà máy Sunhouse thường xuyên lợi dụng trời mưa xả nước thải ra mương. Đây là nơi người dân dùng nước để tưới tiêu, đổ ải. (Ảnh người dân chụp và cung cấp cho PV).


Theo tìm hiểu của PV từ biên bản kiểm tra, ở phần hồ sơ pháp lý, tài liệu do Công ty xuất trình, biên bản nêu rõ: “Quyết định số 4510/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2016 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường đối với dự án “Nâng công suất nhà mát Sunhouse – Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse với công suất 700 tấn sản phẩm/năm”, tuy nhiên Công ty chưa xuất trình được bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Nâng công suất nhà mát Sunhouse – Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse với công suất 700 tấn sản phẩm/năm””.

Như vậy, từ khi nâng công suất nhà máy tới nay, công ty chưa có bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường? Trong thời gian đó, khí thải, chất thải với số lượng lớn gần gấp rưỡi số lượng ban đầu sẽ được xử lý ra sao?

Không chỉ vậy, tại thời điểm kiểm tra, công ty chưa có chứng từ chủ thải nguy hại (CTNH) theo quy định; về khí thải, công ty chưa xây dựng công trình xử lý đối với khí thải từ lò hơi đốt than và khí thải từ 2 lò nấu nhôm.

Ở lần kiểm tra đầu tiên ngày 24/5/2017 giữa Phòng Cảnh sát Môi trường PC49 phối hợp với Công an huyện Quốc Oai và Phòng TN&MT huyện lập biên bản xác định rõ sai phạm của Sunhouse.

Khi đó, UBND huyện Quốc Oai gửi văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Sở TN&MT Hà Nội đề nghị xử lý vi phạm hành chính theo quy định thì UBND thành phố phải có ngay các biện pháp mạnh tay xử lý, ngăn chặn Sunhouse tiếp tục xả thải.

Nhưng ở đây, UBND thành phố lại giao Sở TNMT tiếp tục kiểm tra, đề xuất, báo cáo khi đã có đoàn liên ngành kiểm tra rồi?

Bên vi phạm cũng đã thừa nhận vi phạm, vì vậy theo nguyên tắc hồ sơ xử phạt đã hoàn thành và chỉ cần ra quyết định xử phạt chứ không thể “đá bóng” trách nhiệm cho Sở TNMT đi kiểm tra hướng dẫn doanh nghiệp hợp lý hóa việc vi phạm.

Sau lùm xùm về hàng hóa, Sunhouse bị dân 'tố' gây ô nhiễm? - Ảnh 3
Người dân phản ánh, một bên bờ mương bị nhà máy của tập đoàn Sunhouse lấn chiếm khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.


Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng UBND thành phố Hà Nội đang “ưu ái” cho nhà máy của Tập đoàn Sunhouse một cách vô lý?

Và đến nay, nhà máy của Sunhouse tiếp tục bị người dân tố xả thải, khí thải gây ô nhiễm. Trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về ai?

Theo VTC News, thời gian gần đây, cộng đồng mạng đang bàn tán về hình ảnh một nồi cơm điện nắp liền SHD-8602, tem của siêu thị ghi thương hiệu Sunhouse, xuất xứ Trung Quốc, trong khi trên nồi lại dán tem chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Thông tin này lập tức khiến người tiêu dùng nghi ngại nồi cơm điện Sunhouse cũng là hàng Trung Quốc được gắn mác hàng Việt. Nghi ngờ này dấy lên trong bối cảnh dư luận đang "sục sôi" trước thông tin sản phẩm của Asanzo đang bị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ về nghi vấn bán hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam.

Liên quan đến nghi vấn này, Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse đã chính thức lên tiếng. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, hình ảnh nồi cơm điện đăng trên mạng xã hội có xuất xứ Việt Nam (Made in Việt Nam), không phải xuất xứ Trung Quốc như bảng giá đính kèm bên dưới.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse khẳng định, chiếc nồi cơm điện này 100% là của Việt Nam, được sản xuất tại nhà máy Sunhouse Việt Nam (Công ty TNHH sản xuất đồ gia dụng Sunhouse thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse). Ông Phú cũng cho biết, đây là sự nhầm lẫn của siêu thị.

 

Theo Môi trường Đô thị

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục