Sau khi cổ đông lớn ồ ạt thoái vốn, Eximbank làm ăn ra sao?

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank thu được khoản lãi trước thuế gần 3.181 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ, vượt kế hoạch 27% cho cả năm 2022.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB), quý III/2022, thu nhập lãi thuần của Eximbank ghi nhận gần 1.492 tỷ đồng, gấp đến 2 cùng kỳ. Trong đó chủ yếu là do dư nợ cho vay bình quân quý này tăng so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, ngân hàng thu được một số khoản lãi từ xử lý nợ xấu và do lãi suất tiền gửi liên ngân hàng tăng.

Các nguồn thu ngoài lãi khác đều tăng trưởng đáng kể. Theo đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 37%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 17% và lãi từ hoạt động khác tăng 6%.

Đáng chú ý, kỳ này, nhà băng ghi nhận khoản lỗ thuần 19,5 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ năm trước lãi đến 43,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, quý III/2022, Eximbank được hoàn nhập hơn 296 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi kỳ trước trích lập gần 412 tỷ đồng. Nhờ vậy, ngân hàng thu về hơn 1.278 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp đến 3,1 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần cũng tăng trưởng mạnh, gấp gần 2 lần cùng kỳ. Ngoài ra, kỳ này, Eximbank cũng được hoàn nhập gần 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ phải trích lập gần 503 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng. Do đó, nhà băng này thu được khoản lãi trước thuế gần 3.181 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ.

Như vậy, so với kế hoạch 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra năm 2022, Eximbank đã vượt kế hoạch 27% chỉ sau 9 tháng.

Sau khi cổ đông lớn ồ ạt thoái vốn, Eximbank làm ăn ra sao? - Ảnh 1

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản ngân hàng tăng 11% so với đầu năm, lên mức 183.674 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng đến 60%, ghi nhận 5,445 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 11%, lên mức 127.446 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ cho vay, cũng tính đến cuối quý III/2022, tổng nợ xấu của Eximbank tăng 8% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.416 tỷ đồng. Tuy nhiên vì nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm mạnh 34% khiến tỉ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 1.96% xuống còn 1.9%.

Về nguồn vốn, trong 9 tháng, tiền gửi khách hàng đã tăng 6% so với đầu năm, lên mức 145.260 tỷ đồng, trong đó tiền gửi có kỳ hạn tăng 5% lên 121.938 tỷ đồng, tiền gửi có vốn chuyên dùng tăng mạnh 52,4%, đạt 823 tỷ đồng.

Như Người Đưa Tin đã thông tin, từ đầu năm đến nay, đã có hàng loạt cổ đông bắt đầu thoái vốn khỏi Eximbank. Vào đầu tháng 3/2022, quỹ đầu tư VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) đã bán ra toàn bộ số cổ phiếu EIB đang nắm giữ, tương đương 4.93% vốn cổ phần.

Nối gót VOF, đến lượt Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporatio (SMBC) - cổ đông nắm 15% vốn cổ phần của EIB cũng thông báo chính thức chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank. Dù SMBC chưa chính thức thoái vốn khỏi Eximbank nhưng sau đó, ông Võ Quang Hiển - đại diện tại Eximbank theo ủy quyền của SBMC - thông báo không còn là thành viên HĐQT tại nhà băng này.

Trước đó, nhóm cổ đông Âu Lạc với đại diện là bà Ngô Thị Thúy đã bán gần 4 triệu cổ phiếu EIB trong nửa đầu năm 2022 và lãi 79 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30/06/2022, Âu Lạc chỉ còn nắm 319,700 cổ phiếu EIB, chiếm tỷ lệ 0.026% vốn cổ phần của Eximbank.

Mới đây nhất, nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công cũng đã thoái toàn bộ vốn tại nhà băng này. Theo đó, nhóm này đã bán xong 117,6 triệu cổ phiếu, tương đương 9,57% vốn của Eximbank.

Sau thương vụ thoái vốn này, 2 nhân sự đại diện cho nhóm này là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại đã nộp đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT tại Eximbank.

     

Lê Thanh Hồng

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục