Cổ phiếu STB giảm 3,3%, sang tay hơn 74 triệu đơn vị
VN-Index đóng cửa ngày 14/7 ở mức 1.168 điểm, tăng điểm nguyên tuần giao dịch vừa qua. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư có sự giằng co nhất định. Thanh khoản cũng tăng vọt, có sự đóng góp đáng kể từ giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB).
STB ghi nhận giá trị giao dịch gần 2.150 tỷ đồng, lượng cổ phiếu sang tay lên tới 74,8 triệu đơn vị, chưa kể 37,8 tỷ đồng giá trị thỏa thuận. Cổ phiếu đóng cửa giảm 3,3% xuống 29.000 đồng/đơn vị. Khối ngoại mạnh tay bán ròng STB, giá trị lên tới 100 tỷ đồng, cao nhất toàn sàn. Những diễn biến trên khiến STB trở thành cổ phiếu giao dịch tiêu cực nhất. Kỷ lục thanh khoản trước đây của STB là xấp xỉ 2.000 tỷ đồng trong phiên cuối tháng 3/2021.
Theo sau STB, các mã BID, PLX, LPB, GAS, MSB, CTG, OCB... gây thêm áp lực cho thị trường. Dù VN30-Index tăng hơn 4 điểm nhưng sắc đỏ chiếm ưu thế trong nhóm này. Tuy nhiên, biên độ giảm của các cổ phiếu điều chỉnh chủ yếu trên dưới 1%, không quá tiêu cực. Sự đóng góp của những mã dẫn dắt như FPT, VJC, HPG, HVN, MBB, NLG có phần lấn lướt.
Thanh tra chỉ ra hàng loạt vi phạm tại Sacombank
Những ngày qua giới tài chính đầu tư vào STB chắc chắn rất quan tâm tới kết luận của Thanh tra Chính phủ về đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017 tại Sacombank.
Những vi phạm mà thanh tra chỉ ra tại Sacombank ít nhiều gây ra tâm lý bất ổn đối với nhà đầu tư cũng như là nguyên nhân dẫn tới việc cổ phiếu STB bị xả trong cuối tuần qua.
Cụ thể, như thông tin kết luận Tài chính Doanh nghiệp đã đăng tải, Sacombank đã cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng.
9 doanh nghiệp này gồm Công ty cổ phần Him Lam Thủ Đô, Công ty cổ phần Đầu tư Hồng Bàng, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, Công ty cổ phần Đầu tư TMDV Nam Thắng, Công tỷ cổ phần Thương mại xây dựng Công Phúc, Công ty cổ phần Hạ tầng Bảo Tín, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, Công ty cổ phần Việt Hà và Công ty cổ phần Hiệp Ân. Số doanh nghiệp trên vay vốn rồi nhận chuyển nhượng và đầu tư vào cùng một dự án - dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An.
Tuy nhiên, 9 doanh nghiệp này không có mối quan hệ liên quan theo quy định Luật các Tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án, mà vay vốn để chuyển cho bên thứ ba qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án.
Trong khi đó, ngân hàng chỉ thẩm định năng lực tài chính với khách hàng vay vốn thay vì đơn vị thực hiện dự án. Việc này dẫn tới tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng. Khi thanh tra, dự án đang khó khăn về pháp lý đất đai, làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh của Sacombank.
Ngoài ra, Sacombank cũng chưa kiểm soát chặt chẽ việc một số khách hàng cùng vay vốn tại ngân hàng này và ngân hàng khác để giải ngân cho hợp đồng chuyển nhượng phân khu thuộc dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An của Công ty SDI. Việc này cũng dẫn tới rủi ro về tài sản đảm bảo dùng thế chấp chung cho khoản vay của 9 khách hàng là toàn bộ các quyền tài sản, lợi ích từ dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An khi dự án chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu.
Sacombank cũng thiếu sót trong thẩm định điều kiện cho vay vốn, như phương án vay vốn không đảm bảo khả thi với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Office 85; Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên, Công ty cổ phần Đồng Tâm. Khả năng tài chính để trả nợ của một số khách hàng, như Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản Dấu ấn Sài Gòn, Công ty TNHH Vina Alliance, Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức, chưa được đảm bảo.
Sacombank cũng cho khách hàng là Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức vay vốn để mua 62% phần vốn góp và thế chấp bằng chính phần vốn góp của doanh nghiệp này trong 3 năm. Bản chất việc cấp tín dụng này tương tự việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Đáng chú ý, trong số 16 doanh nghiệp thuộc diện thanh tra tín dụng của Sacombank, BĐS Dấu Ấn Sài Gòn tính tới ngày 10/10/2021 cũng là đơn vị duy nhất còn dư nợ với số dư 2.335 tỷ đồng.