Ngày 21/07 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức có Quyết định số 1391/QĐ-NHNN chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Mê Kông được sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) kể từ ngày 12/08/2015.
Việc MDB sáp nhập vào MaritimeBank không gây ngạc nhiên cho giới đầu tư, bởi hai ngân hàng này có chung sở hữu. Maritime Bank là cổ đông lớn của MDB, với tỷ lệ sở hữu cập nhật đến cuối năm 2012 là trên 10%. Nếu sáp nhập, cặp đôi này sẽ góp phần giảm bớt sở hữu chéo trong hệ thống. Điều này hoàn toàn phù hợp chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, Maritime bank cũng đã có thời gian dài hỗ trợ MDB với tư cách là cổ đông lớn trong nhiều lĩnh vực.
Chia sẻ về thương vụ sáp nhập lần này, ông Đỗ Lam Điền - Thành viên HĐQT Maritime Bank cho biết quá trình sáp nhập giữa hai ngân hàng không gặp nhiều vấn đề khó khăn. Việc quan trọng cần phải giải quyết hiện nay đó là tiến hành sáp nhập hai hệ thống công nghệ. Việc làm này đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức.
“Để tương thích giữa hai phần mềm, chúng tôi đã có những bước khảo sát và kế hoạch cụ thể cho việc “khớp” giữa hai hệ thống ngân hàng lõi để đảm bảo dịch vụ hoạt động thông suốt, an toàn cũng như không ảnh hưởng đến khách hàng”, ông Điền khẳng định.
Sáp nhập MDB vào Maritime Bank: Đang “vướng” ở đâu?
Ngoài ra ông Điền cũng cho biết việc sáp nhập MDB vào MaritimeBank là một sự cộng hưởng, hợp nhất của hai hệ thống, có lợi cho cả hai bên. Bởi lẽ, việc sáp nhập MDB vào Maritime Bank hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện, với mong muốn kết hợp sự tương đồng về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, sản phẩm dịch vụ, gia tăng thế mạnh sẵn có của hai ngân hàng.
Trước khi sáp nhập, MDB đã và đang hoạt động khá thành công tại khu vực phía Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền Tây. Đây được xem sẽ là sự bổ sung tốt cho Maritime Bank để phát triển toàn diện.
“Hoạt động của MDB đang ổn định, việc sáp nhập MDB chắc chắn sẽ giúp MSB mở rông quy mô mạng lưới và những lợi thế đã được thiết lập tại MDB đặc biệt nguồn lực tài chính của MDB, mạng lưới tại Đồng bằng sông Cửu Long và các sản phẩm dịch vụ mảng Ngân hàng bán lẻ tới các khách hàng cá nhân, khách hàng hộ kinh doanh, tiểu thương, nông nghiệp nông thôn” – lãnh đạo Maritime Bank lên tiếng khẳng định.
Đánh giá về việc hai ngân hàng sáp nhập, Hãng tín nhiệm Moody’s cho rằng đây sẽ là một tín hiệu tích cực giúp loại bỏ một số nhà băng yếu kém, giảm nguy cơ rủi ro cho hệ thống ngân hàng và giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc thực thi các quy định và giám sát hệ thống.
“Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây bởi nỗ lực giảm nợ, cầu trong nước giảm. Do đó việc tăng cường sáp nhập ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng khác mở rộng thị phần của mình, đặc biệt là sẽ khiến các ngân hàng này sẵn sàng cho vay nhiều hơn” - Moody’s nhận định.
Minh anh (TH theo Bizlive; Vneconomy; NĐT; News.Zing)