Sang tháng 11, gửi tiền tại ngân hàng nào để nhận lãi cao nhất?

Mặc dù có ngân hàng đã tăng biểu lãi suất huy động lên hàng chục, nhưng với hình thức tiền gửi thông thường, SCB vẫn là ngân hàng có lãi suất cao nhất với 9,30%/năm.

Khảo sát của Người Đưa Tin về biểu lãi suất đầu tháng 11/2022 được niêm yết chính thức của các ngân hàng cho thấy, hàng loạt ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất tiền gửi, mức cao nhất hiện lên đến 11%/năm.

Theo đó, biểu lãi suất áp dụng đã áp dụng từ ngày 26/10 của Nam Á Bank,với mức lãi suất huy động khách hàng cá nhân năm nay với mốc 11%/năm đã thiết lập đỉnh mới cho biểu lãi suất trong hệ thống.

Cụ thể, lãi suất 11%/năm đã xuất hiện ở chương trình huy động tiền gửi Happy Future của Nam Á Bank ở kỳ hạn 9 tháng. Tuy nhiên, khách hàng chỉ được hưởng mức lãi suất này trong 3 tháng đầu chứ không áp dụng suốt kỳ hạn gửi, trong 6 tháng tiếp theo lãi suất được điều chỉnh lại là 5,95%/năm. Tuy nhiên, nếu gửi theo chương trình này, khách hàng cũng không được rút trước hạn.

Không những thế, các kỳ hạn khác tại nhà băng này đều có mức lãi suất cao. Trong trường hợp chọn gửi 12 tháng, 6 tháng đầu khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất 9,9%/năm; kỳ hạn 18 tháng, trong 12 tháng đầu, mức lãi suất là 8,9%/năm.

Mức lãi suất ở các kỳ hạn cao hơn là 24 và 36 tháng được nhà băng này đưa ra lần lượt là 8,4%/năm và 7,9%/năm. Tại 6 tháng cuối của các kỳ hạn nêu trên, Nam Á Bank niêm yết cố định mức lãi suất là 5,95%/năm.

Biểu lãi suất tiền gửi sản phẩm Happy Future của Nam Á Bank.

Biểu lãi suất tiền gửi sản phẩm Happy Future của Nam Á Bank.

Trước đó, ngân hàng NCB cũng đã đưa ra mức lãi suất 10,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, áp dụng từ ngày 27/10. Tuy nhiên, NCB cho biết mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, lĩnh cuối kỳ. Đặc biệt, khách hàng phải liên hệ với ngân hàng và được NCB đồng ý trước khi mang tiền đến gửi.

Đối với các hình thức gửi tiền thông thường tại quầy hoặc online, các ngân hàng cũng tăng mạnh theo trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước cho phép. Cụ thể, tại các thời hạn ngắn từ 1-3 tháng khi gửi tại quầy, các ngân hàng mức lãi suất cao nhất là 6.0%/năm là Bắc Á Bank, Đông Á Bank, Kiên Long Bank, PGBank, SCB và VIB.

Với kỳ hạn 6 tháng, Saigonbank đang giữ mức lãi suất cao nhất so với các ngân hàng còn lại là 8.0%/năm. Còn kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là SCB với mức lãi suất 8.8%/năm.

Khi chọn hình thức gửi tiền online, với kỳ hạn 1 tháng, khách hàng chọn gửi tiền tại BacABank, Bảo Việt Bank, Kiên Long Bank, PVcomBank, SCB, VIB, TPBank và ngân hàng số Cake by VPBank sẽ nhận được mức lãi suất cao nhất, lên đến 6.0%/năm.

Còn với các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng, SCB là ngân hàng quán quân trong hệ thống khi đưa ra mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 9,15%/năm, kỳ hạn 18 - 36 tháng là 9,30%/năm. Đây cũng chính là mức lãi suất cao nhất trong tháng 11.

Sang tháng 11, gửi tiền tại ngân hàng nào để nhận lãi cao nhất? - Ảnh 1

Theo các chuyên gia tại công ty chứng khoán VNDirect, trong bối cảnh hiện nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm nay và sang cả năm 2023. Các chuyên gia tại đây dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm phần trăm từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm nay.

VNDirect cũng dự báo đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục duy trì sang năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỉ giá; ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Điều này có thể khiến lãi suất huy động tăng thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2023.

Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng nhận định, từ giờ tới cuối năm, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tỉ giá, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn kế hoạch tăng cao lãi suất trong 2 cuộc họp chính sách còn lại của năm. Hai cuộc họp này diễn ra vào đầu tháng 11 và giữa tháng 12, sẽ làm đồng đô la tiếp tục lên giá. Động thái này khiến lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng trong thời gian tới.

     

Lê Thanh Hồng

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục