Sáng nay, đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

(Kinhdoanhnet) - Sáng nay (13/3), Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức lễ đặt viên gạch đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm những chiến sĩ Gạc Ma trên diện tích hơn 2ha tại Cam Ranh (Khánh Hòa).

Sáng nay (13/3), tại Công viên Biển Đông, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma.

Phác thảo tổng thể khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để ghi công 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Vị trí xây dựng khu tưởng niệm nằm ở một khu vực đồi cao nhìn thẳng ra biển trên tuyến đường du lịch nối giữa sân bay Cam Ranh và thành phố Nha Trang. Đây được xem là một trong những vị trí đẹp nhất trên tuyến đường này. Những người thiết kế kỳ vọng đây không chỉ là nơi du lịch mà còn là nơi để tưởng nhớ, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Sáng nay, đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 2
Mẫu tượng đài tại Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma

Thiết kế khu tưởng niệm mang tên "Hành trình khát vọng" của nhóm tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM) và "Những người nằm lại ở phía chân trời" của Lý Thị Liễu (Công ty TNHH mỹ thuật - nhiếp ảnh Oanh Vũ, TP HCM) phối hợp thành một đồ án tổng thể.

“Với thông điệp các thế hệ Việt Nam không bao giờ quên các chiến sỹ đã ngã xuống ở Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước; nhắc nhở các thế hệ trẻ phải luôn biết rằng Trường Sa - Hoàng Sa là một phần đất nước của chúng ta. Qua đó, mong muốn đồng bào trong nước và nước ngoài cũng đóng góp xây dựng khu tưởng niệm Gạc Ma”, ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.

Nhiều tài liệu, bài báo gọi sự kiện Trung Quốc dùng tàu chiến, pháo hạm quân sự tấn công ngày 14/3/1988 là “cuộc hải chiến Trường Sa”. Tuy nhiên, chuẩn đề đốc Lê Kế Lâm và một số học giả quốc tế nghiên cứu về biển Đông cho rằng, gọi là “hải chiến” hoàn toàn không chính xác. Bởi khi đó, lực lượng của Việt Nam trên các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma là công binh, không có vũ khí. Và các tàu của Việt Nam làm nhiệm vụ trong khu vực là tàu vận tải, không có vũ khí.

Đầu năm 1988, lần đầu tiên hải quân Trung Quốc tới một số đảo trên quần đảo Trường Sa. Cụ thể, ngày 31/1/1988 chiếm bãi đá Chữ Thập; ngày 18/2/1988 chiếm bãi Châu Viên; ngày 26/2/1988 chiếm bãi Ga Ven; ngày 28/2 chiếm bãi Tư Nghĩa.

Sáng nay, đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 3
Những chiến sĩ hải quân đã tham gia bảo vệ đảo Trường Sa năm 1988

Trước tình hình Trung Quốc chiếm đóng hàng loạt đảo trên Trường Sa, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền trên các đảo còn lại trên các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Sáng ngày 14/3/1988, 4 tàu chiến Trung Quốc tiến đến bãi Gạc Ma. 6 giờ sáng Trung Quốc đổ bộ 40 quân lên đảo, xông lên giật cờ Việt Nam cắm trên đảo. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang bảo vệ cờ Tổ quốc đã bị đâm bằng lưỡi lê và bắn chết gồm hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, thiếu úy Trần Văn Phương…

Cuộc thảm sát kéo dài 28 phút đã gây thiệt hại nặng cho Việt Nam, 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 3 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương và 74 chiến sĩ mất tích. Sau này Trung Quốc trả lại 9 chiến sĩ bị bắt. Số còn lại được xem là đã hy sinh.
 
Trong trận chiến rạng sáng 14/3/1988, 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm Gạc Ma. Việt Nam bảo vệ được Cô Lin và Len Đao.

(Theo Vietnamnet)

Đức Hoan (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục