Sàn vàng chui bị sập giống như “một ly nước bốc hơi”

(Kinhdoanhnet) – Trong số hàng trăm nhà đầu tư tham gia đầu tư vào BBG với số tiền lên đến trên 600 tỷ đồng, chỉ có khoảng 5% số lượng nhà đầu tư tháo chạy rút vốn về được, 95% số người còn lại đều đang có nguy cơ mất trắng tiền.

Sau hàng loạt vụ kinh doanh vàng ảo bị lực lượng công an triệt phá, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần lên tiếng khuyến cáo người dân không nên tham gia giao dịch trên sàn và thực hiện kinh doanh vàng tài khoản, tuy nhiên có vẻ như vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư hám lợi trước mắt mà không hề quan tâm tới những  rủi ro mà mình có thể gặp phải.

Ví dụ mới đây nhất đó là trong vụ sàn vàng BBG, theo thông tin ban đầu cho biết có tới hàng trăm nhà đầu tư tham gia đầu tư vào tập đoàn này với số tiền lên đến trên 600 tỷ đồng. Trong đó chỉ riêng tại Hải Phòng – nơi mà BBG đặt trụ sở chính đã có tới 237 nhà đầu tư với tổng số tiền đầu tư lên tới 87 tỷ đồng.

Có tới hàng trăm nhà đầu tư tham gia đầu tư vào sàn vàng  BBG.
Có tới hàng trăm nhà đầu tư tham gia đầu tư vào sàn vàng  BBG.

Được biết Tổng giám đốc của BBG là ông Lê Minh Quang, trước đây cũng là một nhà đầu tư vàng trên các sàn vàng thời trước. Sau một thời gian chơi, ông Quang đã đứng lên thành lập Công ty cổ phần Vàng và bất động sản BBG. Với hình thức kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn và nhận lãi suất cao, khách hàng được cung cấp mã giao dịch để có thể rút tiền.

Muốn chơi vàng tài khoản, nhà đầu tư sẽ phải nộp tiền mặt trực tiếp tại BBG hoặc qua tài khoản ngân hàng với tỷ giá quy đổi là 22.000 đồng/USD và phải nộp ít nhất 500 USD mới được đơn vị này cung cấp cho một tài khoản giao dịch vàng, ngoại tệ. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính mà công ty này áp dụng là 1:100, điều này có nghĩa là tài khoản đầu tư 10 triệu đồng sẽ giao dịch được khối lượng có giá trị 1 tỷ đồng.

Mặc dù trước đó đã có khá nhiều thông tin đồn thổi về những rủi ro đối với BBG, nhưng chỉ tới khi Tổng giám đốc công ty này bị bắt thì giới đầu tư mới bắt đầu tháo chạy, tuy nhiên chỉ có khoảng 5% số lượng nhà đầu tư tháo chạy rút vốn về được, 95% số người còn lại đều có nguy cơ mất trắng.

Theo đánh giá của T.S Nguyễn Trí Hiếu, sàn vàng “chui” bị sập “giống như một ly nước bốc hơi, còn tiền đâu mà trả lại”. Khi các sàn vàng này bị “đánh sập” nhà đầu tư sẽ không có cơ sở kiện để lấy lại tiền. Bởi chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hiện nay là chống vàng hóa. Người dân tham gia những sàn vàng này là đi ngược lại chủ trương Chính phủ, hoạt động ngoài pháp luật và người tham gia sẽ gặp rủi ro về mặt pháp lý.

Được biết ngay từ cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không được tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức. Mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải chấm dứt hoạt động trước ngày 30/3/2010. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, hiện vẫn đang tồn tại khoảng 30-40 đơn vị kinh doanh vàng thông qua tài khoản.

Ngọc Anh (TH theo Thanh niên; Lao Động)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục