Sàn 28 phiên liên tiếp, FTM chuẩn bị họp đại hội bất thường bầu Chủ tịch và tái cơ cấu công ty

Từ đầu năm tới nay, FTM đã thay hai Chủ tịch liên tiếp, trong đó ông Lê Mạnh Thường đã bị nêu rõ đích danh là người đứng ra thao túng giá cổ phiếu gây thiệt hại tới 200 tỷ đồng cho 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng.

Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex – Mã: FTM) vừa công bố nghị quyết thông qua việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm bổ sung thêm thành viên Hội đồng quản trị để lựa chọn ra Chủ tịch Công ty và việc tái cơ cấu doanh nghiệp.

Ngày chốt cổ đông tham dự đại hội là ngày 15/10 và ngày dự kiến tổ chức họp đại hội bất thường là ngày 24/10.

Trước đó ngày 14/9 Công ty đã nhận được đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của ông Nguyễn Hoàng Giang kể từ ngày 16/9 mà không nói rõ lý do.

Ông Giang được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT của FTM từ ngày 16/4 thay thế cho ông Lê Mạnh Thường. Tuy nhiên chỉ sau 5 tháng ông Giang đã từ nhiệm.

Đáng chú ý ông Giang từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT trong bối cảnh doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn khi thua lỗ hai quý liền cùng với giá cổ phiếu đang dính nghi án bị thao túng và tính tới hết ngày 24/9 đã sàn 28 phiên liên tiếp.

Sàn 28 phiên liên tiếp, FTM chuẩn bị họp đại hội bất thường bầu Chủ tịch và tái cơ cấu công ty - Ảnh 1
Diễn biến giá cổ phiếu FTM một năm gần đây (Nguồn: VNDirect)

Bên cạnh đó, vị cựu Chủ tịch của Công ty là ông Lê Mạnh Thường lại bị các công ty chứng khoán và ngân hàng bị hại trong vụ sập sàn cổ phiếu FTM nêu rõ là người thao túng giá cổ phiếu.

Các công ty chứng khoán đã thống kê hiện có dưới 10 tài khoản mở tại 13 công ty chứng khoán có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu FTM.

Phía bị hại cho biết, các cá nhân mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường và có địa chỉ cư trú tại Thái Bình và là người có liên quan tới ông Thường. Đồng thời, các chủ tài khoản hoàn toàn không biết về các giao dịch đã được thực hiện trên tài khoản mang tên họ được mở tại các công ty chứng khoán.

Các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay cầm cố cổ phiếu FTM đã không thể bán giải chấp thu hồi vốn dẫn đến thiệt hại ước tính lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất vốn đến 80 tỷ đồng.

Sàn 28 phiên liên tiếp, FTM chuẩn bị họp đại hội bất thường bầu Chủ tịch và tái cơ cấu công ty - Ảnh 2
Ông Lê Mạnh Thường
 

Ngay sau nghi vấn thao túng giá cổ phiếu thì trả lời báo Đầu tư Chứng khoán ông Lê Mạnh Thường đã phủ nhận thông tin trên và thậm chí còn nói không quen biết với đơn vị trung gian đứng ra thao túng giá là CTCP SMD Holdings.

Trước sự việc này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố đã nắm được thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM. Hiện tại, UBCKNN, HOSE và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin.

UBCKNN cho biết do sự việc mới đang trong quá trình triển khai nên chưa có thông tin chi tiết, cụ thể nên khi có thông tin chính xác sẽ cung cấp kịp thời, đầy đủ tới các cơ quan thông tấn, báo chí theo quy định.

Còn về tình hình kinh doanh của FTM thì vào quý IV/2018 lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ vẻn vẹn đúng 38 triệu đồng trong khi doanh thu gần 328 tỷ đồng. Kết quả thua lỗ dường như được báo trước từ quý IV/2018 và tới 2 quý đầu năm con số lỗ của FTM đã lên tới 31 tỷ đồng.

Phía FTM cho biết kết quả kinh doanh của sụt giảm là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Cụ thể trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ bị áp thuế có tới 25% mặt hàng vải. Do đó, thị trường Trung Quốc trở nên thận trọng, kìm hãm sản xuất vải.

Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam. Trên thực tế, 70% lượng sợi của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, giá xuất khẩu bị ép giảm mạnh do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Trước tình hình thị trường khó khăn, FTM đang đối diện với tình trạng “thắt lưng buộc bụng”.

Ngày 18/9 vừa qua sau khi cựu Chủ tịch Lê Mạnh Thường bị chỉ tên là người đứng sau thao túng giá cổ phiếu thì doanh nghiệp đã phải đưa ra thông cáo báo chí nêu rõ Công ty vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường với ba ca sản xuất liên tục.

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục