Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank thua lỗ thảm trong quý 4/2019, khách mất tiền oan tại Vietcombank

Trong khi nhiều ngân hàng ồ ạt báo lãi kỷ lục, thì 3 đơn vị Eximbank, SaigonBank và Kienlongbank lại ngược chiều, thua lỗ thảm trong quý 4/2019.

Nhiều khách hàng bị mất tiền oan do giao dịch giả mạo tại Vietcombank

Ghi nhận của báo Tuổi trẻ, trong ngày 28/1 (mùng 4 Tết), một số khách hàng dùng thẻ VISA của Vietcombank đã phản ánh trên mạng xã hội bị mất tiền trong khi không hề giao dịch và thẻ vẫn đang nằm trong ví.

Cụ thể, tài khoản Facebook L.H.K. cho biết anh đang lái xe thì nhận được hàng loạt tin nhắn trừ tiền vì giao dịch qua thẻ VISA của Vietcombank. Sau đó là hàng loạt tin nhắn khác báo giao dịch không thành công khác vì tài khoản không đủ tiền.

Anh K. đã báo tổng đài Vietcombank và khóa thẻ. Sau đó vẫn còn hàng loạt tin nhắn không thành công khác được báo về. Sau đó, anh K. thấy rất nhiều người cũng phản ảnh bị mất tiền tương tự, đều là giao dịch tại "City of white horse" và nhiều cái tên latin khác. Thời điểm diễn ra cũng tương tự.

Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank thua lỗ thảm trong quý 4/2019, khách mất tiền oan tại Vietcombank - Ảnh 1
Facebook nhân vật chia sẻ.


Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank thua lỗ thảm trong quý 4/2019, khách mất tiền oan tại Vietcombank - Ảnh 2
Anh L.H.K. nhận hàng loạt tin nhắn thông báo các giao dịch mà anh không thực hiện.

Cũng giống như anh K, anh T.Đ.N cho hay 12h trưa ngày 28/1 anh nhận được tin nhắn trừ 54 triệu đồng dù thẻ vẫn nằm trong ví và không thực hiện giao dịch nào.

Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank thua lỗ thảm trong quý 4/2019, khách mất tiền oan tại Vietcombank - Ảnh 3
Anh T.Đ.N chia sẻ trên facebook.

Đến tối ngày 28/1, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) đã phát đi thông báo về hướng xử lý vụ việc.

Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank thua lỗ thảm trong quý 4/2019, khách mất tiền oan tại Vietcombank - Ảnh 4
Thông báo được Vietcombank phát đi. (Ảnh chụp màn hình).

Theo VCB, qua quá trình giám sát thường xuyên, hệ thống quản trị rủi ro thẻ của ngân hàng này phát hiện các giao dịch giả mạo cùng được thực hiện trên một trang thanh toán điện tử tại nước ngoài.

Để đảm bảo an toàn cho thẻ thanh toán của Khách hàng, VCB sẽ khoá thẻ của Khách hàng đã phát sinh giao dịch tại trang thanh toán này. Những thẻ bị khoá trong trường hợp này sẽ được VCB phát hành lại miễn phí.

"Đối với những giao dịch không do Quý khách hàng thực hiện, chúng tôi sẽ thực hiện hoàn tiền trong thời gian sớm nhất. Trong trường hợp Quý khách hàng cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ với Trung tâm hỗ trợ khách hàng, điện thoại 1900545413", thông báo của Vietcombank cho biết.

Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank thua lỗ thảm trong quý 4/2019

2019 là năm ăn nên làm ra của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Rất nhiều ngân hàng ồ ạt công bố những mức lãi kỷ lục mới. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên đều có được may mắn đó. Trong khi cả làng nô nức báo lãi, 3 ngân hàng lại thua lỗ thảm.

Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank thua lỗ thảm trong quý 4/2019, khách mất tiền oan tại Vietcombank - Ảnh 5
Saigonbank thua lỗ trong năm 2019. Ảnh minh họa.

Kết thúc quý 4/2019, Saigonbank là ngân hàng đầu tiên thông báo lỗ ròng hơn 53 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 52 tỷ đồng của quý 4/2018.

Cụ thể, các chỉ tiêu chính của Saigonbank đều tăng như thu nhập lãi thuần tăng 15% khi đạt 205 tỷ đồng; hoạt động dịch vụ mang về 12 tỷ đồng, tăng 9%.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối lại giảm 4% về mức 5,4 tỷ đồng; hoạt động khác cũng giảm 26%, còn 34 tỷ đồng. Đáng nói, chi phí hoạt động của Saigonbank lại tăng mạnh hơn so với mức tăng của các khoản trên với 23%, chiếm 154 tỷ đồng. Cộng thêm chi phí dự phòng chiếm 142 tỷ đồng (giảm 23%).

Tại thời điểm cuối năm 2019, tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ, đạt 15.668 tỷ đồng và 14.557 tỷ đồng.

Ngoài Saigonbank, Eximbank cũng bị lỗ trong quý cuối cùng của năm 2019.

Tính riêng trong quý 4/2019, Eximbank lỗ ròng hơn 16 tỷ đồng, giảm lỗ so với con số lỗ gần 247 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Mặc dù trong quý, Eximbank đã tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro 47%, nhưng một số hoạt động kinh doanh có tăng trưởng như lãi thuần từ dịch vụ (tăng 42%), mua bán chứng khoán đầu tư (lãi 102 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 82 tỷ đồng). Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh gấp 6.3 lần so với cùng kỳ.

Cuối năm 2019, tổng tài sản của Eximbank là 167.538 tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,9% đạt 113.255 tỷ, huy động tiền gửi khách hàng tăng 17,3% đạt 139.278 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng tại ngày 31/12/2019 là 1.933 tỷ, tăng 12 tỷ so với đầu năm.

Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank thua lỗ thảm trong quý 4/2019, khách mất tiền oan tại Vietcombank - Ảnh 6
Quý 4/2019 Eximbank tiếp tục bị lỗ.

Trước đó, không chỉ có Saigonbank và Eximbank mà Kienlongbank cũng báo lỗ khá lớn (120 tỷ đồng) trong quý cuối cùng của năm. Khoản lỗ này chủ yếu do thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý 4 giảm tới 53% xuống còn 115,7 tỷ đồng.

Điều này cũng kéo thành tích cả năm của Kienlongbank sụt giảm rõ rệt. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm 204 tỷ đồng, tương đương giảm 70,4% so với năm 2018.

Sacombank rao bán tòa nhà hội sở 1.300 tỷ đồng?

Thị trường những ngày gần Tết xôn xao mẩu tin rao bán tòa nhà 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3 (TP HCM), nơi đang là hội sở Ngân hàng Sacombank.

Theo thông tin được rao trên các trang bất động sản, khu đất có diện tích 1.740,8m2, trong đó đất cơ sở sản xuất kinh doanh là 1.700m2, thời hạn đến 1/1/2046. Diện tích còn lại là đất ở lâu dài 40,8m2.

Tòa nhà có diện tích xây dựng 915,8m2, diện tích sàn 18.523,3m2 gồm 15 tầng và 2 tầng hầm, lửng, sân thượng, đang cho Sacombank thuê làm hội sở với giá 5 tỷ đồng/tháng.

Giá được rao bán là 1.300 tỷ đồng. Bên bán không yêu cầu chứng minh tài chính, chỉ cần gửi hồ sơ về năng lực công ty đến trực tiếp cho người bán.

Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank thua lỗ thảm trong quý 4/2019, khách mất tiền oan tại Vietcombank - Ảnh 7
Toà nhà Hội sở Sacombank.

Theo VnExpress, tòa nhà 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần XNK Tân Định - đơn vị cũng đang đặt trụ sở tại tòa nhà này.

Trước đây, Công ty XNK Tân Định do ông Phạm Hữu Phú - người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank thành lập, sau đó chuyển nhượng cho ông Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank từ năm 1999 bao gồm cả quyền quản lý tòa nhà này.

Một lãnh đạo Sacombank cho hay theo hợp đồng trước đây giữa hai bên, Sacombank cho vay xây tòa nhà 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa và có ràng buộc cho ngân hàng thuê dài hạn, không hủy ngang.

Trước khi rao bán tòa nhà trên, Sacombank có nhận được thông báo nhưng theo vị lãnh đạo này, do ràng buộc trên nên hiện nay bên quản lý tòa nhà đã rút lại quyết định bán.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cựu chủ tịch Sacombank cũng xác nhận ông từng có ý định bán tòa nhà hội sở Ngân hàng Sacombank, tuy nhiên hiện nay đã rút lại quyết định và tiếp tục cho Sacombank thuê dài hạn.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục