Vừa qua, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã có kết luận thanh tra đối với công tác chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015 – 2017 và Kiểm tra việc cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giai đoạn 2015 – 2018 tại tỉnh Bình Dương.
Theo kết luận, công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư tại tỉnh Bình Dương được thực hiện theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, một số dự án phê duyệt hình thức quản lý dự án chưa phù hợp quy định hoặc phê duyệt dự án không phù hợp với chủ trương đầu tư (về thời gian thực hiện), trong đó có các dự án do Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE, sàn HoSE) làm chủ đầu tư gồm:
Dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên được UBND tỉnh Bình Dương quyết định thành lập Ban quản lý dự án để quản lý và thực hiện dự án tại Quyết định số 1421/QĐ-UBND ngày 16/6/2016 và Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An được UBND tỉnh Bình Dương quyết định thành lập Ban quản lý dự án để quản lý và thực hiện dự án tại Văn bản số 2141/QĐ-UBND ngày 28/6/2016.
Kết luận thanh tra nêu rõ, việc UBND tỉnh Bình Dương quyết định thành lập Ban quản lý dự án đối với từng dự án là chưa phù hợp vì các dự án nêu trên không thuộc trường hợp được thành lập Ban quản lý dự án quy định tại Điều 37 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và Khoản 1, Khoản 2 Điều 62 Luật xây dựng năm 2014.
“Trách nhiệm đối với các tồn tại, sai sót nêu trên thuộc về UBND tỉnh Bình Dương và đơn vị thẩm định các nội dung có liên quan nêu trên”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Nhiều sai phạm tại các dự án của Công ty Biwase được Thanh tra Bộ KHĐT phát hiện. Ảnh: V.D
Đối với công tác triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đoàn Thanh tra của Bộ KHĐT phát hiện vẫn còn nhiều mặt tồn tại, sai sót trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán, công tác lựa chọn nhà thầu, công tác nghiệm thu, thanh toán, công tác quyết toán dự án hoàn thành, nghiệm thu bàn giao công trình, công tác quản lý hồ sơ dự án… dẫn đến làm tăng giá trị dự toán, tăng giá gói thầu xây lắp, tăng giá trị hợp đồng và tăng giá trị nghiệm thu, thanh quyết toán.
Trong đó, Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An đã áp dụng chi phí chung tỷ lệ 70% chi phí nhân công trong khảo sát địa hình, địa chất là không đúng theo hướng dẫn tại quy định tại Thông tư 17/2013/TT-BXD ngày 30/1/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí khảo sát xây dựng (quy định là 65%) làm tăng giá trị dự toán, giá gói thầu, giá hợp đồng và giá trị nghiệm thu, thanh toán với số tiền là 47.807.000 đồng.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý dự án tính thêm thuế VAT là chưa phù hợp vì hình thức quản lý dự án là Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án, làm tăng giá trị dự toán số tiền là 1.289.381.000 đồng. Dự toán lập chưa phù hợp quy định, làm tăng giá trị dự toán, giá gói thầu với tổng số tiền là 5.522.697.000 đồng (trong đó, sai khối lượng giá trị 84.875.000 đồng).
Đối với dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An – Thuận An – Tân Uyên, dự toán chi phí quản lý dự án tính thêm thuế VAT là chưa phù hợp vì hình thức quản lý dự án là chủ đầu tư trực tiếp quản lý. Làm tăng giá trị dự toán số tiền là 653.156.000 đồng.
Dự toán tính chi phí tư vấn thiết kế BVTC&DT (công trình hạ tầng kỹ thuật) trong đó tách riêng giá trị xây lắp từng hạng mục trong gói thầu để tính là chưa đúng theo quy định mục 3.3 Quyết định 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng, làm tang giá trị dự toán, giá gói thầu số tiền 1.263.731.000 đồng.
Ngoài ra, dự toán tính chi phí tư vấn lập HSMT và đánh giá HSDT trong đó tách riêng giá trị xây lắp từng hạng mục trong gói thầu để tính là chưa đúng quy định làm tăng giá giá trị dự toán, giá gói thầu số tiền 73.909.000 đồng.
“Trách nhiệm đối với những sai sót nêu trên thuộc đơn vị lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán và chủ đầu tư của các dự án”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE, sàn HoSE) là doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ cung cấp nước sạch, thoát nước đô thị, bảo vệ môi trường phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương.
Vừa qua, Biwase được biết đến là doanh nghiệp có nhiều món nợ còn treo lơ lửng, gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong hoạt động tài chính. Thế nhưng, doanh nghiệp này vẫn “hào phóng” rót vốn vào nhiều khoản đầu tư tài chính không hiệu quả.
Báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán của Biwase cho thấy, nợ phải trả của Công ty tại thời điểm 31/12/2018 có giá trị khá lớn, đạt mức 9.652 tỷ đồng, cao gấp hơn 2,3 lần so với vốn chủ sở hữu.
Theo Văn Dũng/Danviet.vn