Rủi ro tỷ giá: Doanh nghiệp có cần quan tâm?

(Kinhdoanhnet) - Các doanh nghiệp chưa coi trọng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá do sự chủ quan của bản thân doanh nghiệp cũng như cơ chế chính sách.

Mặc dù NHNN đưa ra thông điệp chính sách điều hành tỷ giá ngay từ đầu năm làm cho các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) bớt lo lắng hơn về khả năng biến động của tỷ giá. Tuy nhiên, vẫn có DN nhận thức rằng, việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động.

Ông Nguyễn Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty XNK Nguyên Trung cho biết, mỗi năm công ty của ông XK 50.000 tấn nông sản các loại, do đó, việc sử dụng hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn là cách để DN tránh được những rủi ro tỷ giá. Ông Nam cho biết, thông thường, DN XK dùng tiền VNĐ để mua nguyên vật liệu trong nước và sau khi xuất hàng đi, đối tác nước ngoài sẽ thanh toán bằng ngoại tệ. Rủi ro là ở chỗ thời gian thanh toán lại cách nhau vài tháng. Trong trường hợp giá ngoại tệ giảm vào ngày đối tác thanh toán, lợi nhuận của DN sẽ giảm xuống. Do đó, nếu DN ký hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn với ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro khi thanh toán.

Một DN XNK tiết lộ bài kinh nghiệm xương máu khi bỏ qua công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá hồi những năm 2005-2009. Khi đó, DN vay 1 triệu USD với thời hạn từ 1 năm và đã tổn thất khoảng 29.000USD mỗi năm do chênh lệch tỷ giá giữa thời điểm vay và thời điểm trả nợ. Trước bài học của mình và để rút ra kinh nghiệm, một khảo sát quy mô nhỏ của DN này với các DN XNK khác đã được thực hiện. Kết quả cho thấy có 40% DN sử dụng công cụ phòng ngừa bất cứ khi nào có giao dịch phát sinh, 40% DN sử dụng khi giá trị giao dịch từ 500 nghìn USD trở lên và 16% DN sử dụng khi giá trị giao dịch từ 300 nghìn USD trở lên.

Chi phí bình quân hàng năm cho sử dụng công cụ phòng ngừa của DN cũng chủ yếu dưới 100 triệu đồng và số DN có chi phí trên 500 triệu đồng chiếm khá ít, chỉ 10%.Khoảng 85% DN giảm được đáng kể rủi ro và 10% DN giảm hoàn toàn rủi ro tỷ giá hối đoái, với kết quả khảo sát, DN đã yên tâm sử dụng công cụ phòng ngừa tỷ giá từ năm 2011 tới nay.

Hiện nay, các NHTM đang cung cấp một số sản phẩm phái sinh, tùy theo nhu cầu DN có thể lựa chọn cho mình công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá: giao dịch kỳ hạn (Forward), giao dịch quyền chọn (Option) hay hợp đồng tương lai (Future).

Một cách khác để hạn chế rủi ro tỷ giá đó là đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Các Dn có thể chọn các ngoại tệ như EUR, GBP, JPY, AUD, CNY… ngay từ khi đàm phán với đối tác thay vì  chỉ chọn USD là đồng tiền thanh toán ghi trong hợp đồng.

Tùy vào thị trường, từng thời điểm, công ty có biện pháp điều hành và quản trị biến động tỷ giá cho DN mình nhằm tránh rủi ro, nâng cao lợi thế cạnh tranh và tăng lợi nhuận. Thậm chí, để hạn chế những rủi ro nhất định, một số DN còn tổ chức riêng một phòng ban chuyên phân tích biến động giá trên thị trường tài chính.

Rủi ro tỷ giá: Doanh nghiệp có cần quan tâm? - Ảnh 1
Các DN chưa thật sự mặn mà với việc đề phòng rủi ro tyr giá

Các doanh nghiệp chưa mặn mà việc dùng công cụ phái sinh

Theo đánh giá của một lãnh đạo NH nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ DN đang sử dụng công cụ phái sinh phòng tránh rủi ro tỷ giá vẫn chiếm con số khá khiêm tốn.

Phó tổng giám đốc Maritime Bank - ông Trần Xuân Quảng cho rằng, nguyên nhân khiến các DN không mặn mà với việc sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá là các DN thích phỏng đoán mức độ biến động tỷ giá trong ngắn hạn. "Thực ra, các DN không muốn mất thêm chi phí vì họ cho rằng, biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát của mình", ông Quảng cho biết thêm.

DN tính toán với mức điều chỉnh tỷ giá tối đa mà NHNN đã công bố, so sánh với độ chênh lệch giữa lãi suất huy động USD và VND để đưa ra quyết định có hay không sử dụng phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Còn theo quan điểm của ông Quảng, các DN có thể chỉ cần cân đối, tùy sức chịu đựng cũng như quy mô hoạt động của mình để đưa ra quyết định mua công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, có thể là 30% hoặc 50% chứ không nhất thiết phải mua toàn bộ 100% công cụ phòng tránh rủi ro nhằm đảm bảo bài toán kinh tế hiệu quả cho DN.

Bên cạnh đó, các DNNN lại chưa coi nghiệp vụ phòng tránh rủi ro tỷ giá quan trọng một phần là do cơ chế chính sách. Theo lý giải của lãnh đạo một NHTM: Bản thân các DN này cũng không chịu áp lực phải thực hiện phòng tránh rủi ro tỷ giá.

Các chuyên gia đều đồng quan điểm là không nên để tình trạng này kéo dài mãi. Đến lúc nào đó, nhất là kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, NHNN có thể nới biên độ hoặc điều chỉnh tỷ giá tương đối thường xuyên hơn, chắc chắn DN phải tăng cường sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá để tránh thiệt hại.

Không chỉ đối với DN XNK, việc phòng ngừa rủi ro tỉ giá cũng rất quan trọng đối với các DN tham gia vào những hoạt động có liên quan đến ngoại tệ.

“Đối với những khoản vay có thời hạn dài, việc vay bằng ngoại tệ thường hấp dẫn hơn so với vay bằng tiền đồng. Tuy nhiên, những hợp đồng tín dụng ngoại tệ vay dài hạn thường áp dụng lãi suất thả nổi. Lãi suất vay thời gian sau này có thể cao hơn hoặc thấp hơn lãi suất vay tại thời điểm ký hợp đồng. Vì vậy, việc tính toán chi phí đầu tư dự án trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến việc xác định hiệu quả đầu tư” - Ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng giám đốc, Nghiệp vụ Ngân hàng toàn cầu, Kinh doanh vốn và ngoại hối HSBC Việt Nam cho biết.

Do đó, để phòng ngừa rủi ro này, DN có thể sử dụng công cụ hoán đổi tiền tệ giữa USD và tiền đồng và hoán đổi lãi suất USD. Công cụ hoán đổi tiền tệ sẽ giúp công ty chuyển nghĩa vụ thanh toán từ USD sang tiền đồng cho phù hợp với doanh thu mà không phải thay đổi chi tiết khoản vay. Trong khi đó, việc hoán đổi lãi suất USD sẽ giúp công ty chuyển nghĩa vụ trả lãi suất USD từ thả nổi sang cố định.

Quốc Hưng (tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục