Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng USD trong những tuần cuối tháng 6 đã tăng nhanh. Nếu quy đổi, mức giao dịch đạt 68.497 tỷ đồng, bình quân khoảng 13.699 tỷ đồng/ngày.
Đối với giao dịch, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất bao gồm kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với tỷ trọng lần lượt chiếm 56%, 17% và 10% tổng doanh số giao dịch bằng USD.
Các giao dịch bằng USD bình quân trên thị trường có xu hướng ổn định, ít biến động ở đa số các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất bình quân các kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tháng dao động chủ yếu trong khoảng 0,20% - 0,67%/năm.
Trên thị trường, sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá USD tăng thêm 1%, giá USD niêm yết tăng giảm đan xen, có khi tăng tới 35 - 40 đồng. Hiện giá USD đang được các ngân hàng niêm yết ở mức 21.300 đồng chiều mua và 21.360 đồng chiều bán. Còn theo báo cáo của NHNN, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3 - 7%/năm, bằng nửa lãi vay VND.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn do nhu cầu nội địa thấp, tín dụng ngoại tệ gắn liền với tăng trưởng xuất nhập khẩu là một điểm sáng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Các doanh nghiệp (DN) đang cân nhắc hơn về chi phí vay vốn ngoại tệ.
Bởi không chỉ hưởng lợi về lãi suất, khoảng 5%/năm, bằng một nửa mức 10% vay tiền đồng mà ngân hàng đưa ra. Các DN còn hưởng lợi từ việc điều chỉnh tăng tỷ giá. Đơn cử, Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành (GDT) vừa qua đã được hưởng lợi khi tỷ giá tăng. Cụ thể, xuất khẩu của GDT chiếm 85- 90% doanh thu của Công ty trong khi nguồn nguyên liệu chủ yếu mua trong nước.
Dựa trên mức điều chỉnh tỷ giá, ước tính GDT được hưởng lợi gần 2,2 tỷ đồng. Con số này tuy không lớn nhưng có thể sẽ được công ty tận dụng để tăng sự cạnh tranh cho sản phẩm của mình tại các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, trong báo cáo điều chỉnh mới đây của một số ngành, việc điều chỉnh tỷ giá này sẽ có lợi cho các DN thủy sản, cao su và khai khoáng có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao...
Được hưởng lợi "kép" cả về tỷ giá lẫn lãi suất, nhiều DN xuất nhập khẩu tìm mọi cách để tiếp cận nguồn vốn vay ngoại tệ. Về phần mình, các ngân hàng thương mại khẳng định, USD hiện không thiếu do ngân hàng còn nhiều nguồn như vay nước ngoài và vay của các định chế tài chính quốc tế.
Hai yếu tố này giúp thị trường USD trong mấy ngày vừa qua trở nên sôi động khi các DN tìm cách vay vốn ngoại tệ. Việc dồn sang vay USD thể hiện rõ qua báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho vay ngoại tệ trong 4 tháng đã tăng 7,2% so với đầu năm.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, vẫn có sức ép lên tỷ giá do tín dụng ngoại tệ đang tăng nhanh và kỳ vọng tỷ giá sẽ được điều chỉnh thêm 1%. Việc điều chỉnh tỷ giá đôi khi cũng là tín hiệu tích cực, nhưng thông thường biến động tỷ giá USD/VND luôn có tác động hai chiều đến kết quả kinh doanh của DN.
Trên thực tế, hầu hết các DN vay ngoại tệ là các DN xuất nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai nên áp lực lên tỷ giá là không đáng kể. Nhưng nếu đến hạn trả nợ vay mà chưa có nguồn thu ngoại tệ, họ phải mua ngoại tệ sẽ tạo áp lực nhất định lên tỷ giá.
Đó là chưa kể các khoản vay ngoại tệ thường là ngắn hạn và rơi vào thời điểm cuối năm nên cũng tạo áp lực lên tỷ giá khi nhu cầu mua ngoại tệ dồn vào một thời điểm để thanh toán nợ vay.
Dù rằng tới thời điểm này, lãnh đạo của hai DN lớn trong ngành thép là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với nguồn nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu HRC và phôi thép cho biết tác động việc tăng tỷ giá đối với DN sẽ không đáng kể.
Nguyên nhân theo chia sẻ của 2 DN này, việc dự trù tăng tỷ giá đã được tính toán trước trong kế hoạch năm nay với mức độ dự báo điều chỉnh tỷ giá là cao hơn 1%.
Tuy nhiên, hai DN này cũng thừa nhận, biến động về tỷ giá lần này không mang yếu tố bất ngờ nhưng vẫn ảnh hưởng nhẹ đến lợi nhuận của công ty trong những tháng còn lại của năm.
Lãnh đạo của Thép Hòa phát chia sẻ, HPG đang đẩy mạnh xuất khẩu phôi ra nước ngoài với thị trường chính là các nước ở khu vực ASEAN (chủ yếu là Philippines) với sản lượng phôi xuất khẩu bình quân khoảng 20.000 tấn/tháng.
Giá bán phôi của HPG cho thị trường trong nước và nước ngoài khoảng 11 triệu đồng/tấn. Nếu xét bài toán nhập nguyên liệu thì DN đang chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, Thép Hòa Phát ghi điểm phần nào do sự chắc chắn trong việc mở rộng kinh doanh cốt lõi, trong khi phần lớn các công ty trong ngành thép đều đang gặp khó khăn về đầu ra, nợ vay, đặc biệt nợ vay ngoại tệ.
Các số liệu mới nhất cho thấy tính đến ngày 12/6/2014, tín dụng ngoại tệ đã tăng gần 10% so với cuối năm 2013, tăng gần 3 điểm phần trăm so với mức tăng 7,2% vào thời điểm cuối tháng 4. Trong khi đó, huy động tiền gửi ngoại tệ tính đến giữa tháng 6 lại giảm hơn 4% so với cuối năm ngoái.
Do khả năng NHNN giảm giá tiếp tiền đồng trong ngắn hạn không còn nhiều nên các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động vay ngoại tệ trong thời gian tới nhằm hưởng mức lãi suất cho vay thấp (khoảng 4-7%) trong khi không phải lo ngại về rủi ro tỷ giá.
Ở chiều ngược lại, huy động tiền gửi ngoại tệ có thể sẽ có sự sụt giảm do người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh bán đô la đổi lấy tiền đồng nhằm hưởng lãi suất tiết kiệm cao hơn khi không còn tâm lý đầu cơ găm giữ. Như vậy, xu hướng ngược chiều giữa huy động và cho vay bằng đô la Mỹ nhiều khả năng sẽ ngày càng mở rộng, tạo áp lực lên thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống.
Quốc Hưng ( tổng hợp )