Rửa tiền, hành vi nhức nhối khó trị dứt điểm

Rửa tiền, tài trợ khủng bố là loại hành vi vi phạm pháp luật rất tinh vi và diễn biến phức tạp cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Việt Nam dễ thành mục tiêu cho các tổ chức tội phạm rửa tiền quốc tế do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng.

Tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố đang là vấn đề mang tính toàn cầu, mỗi năm tội phạm tiến hành rửa từ 1.000-1.500 tỷ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh toàn cầu.

Trên thế giới, các đại gia trong ngành ngân hàng cũng như các ngân hàng có kinh nghiệm lâu năm cũng chưa giám sát được đầy đủ giao dịch tiền mặt tại các chi nhánh của mình. Thực tế cho thấy, các chiêu thức rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng tinh vi và khó phát hiện, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao như thẻ tín dụng. Không những thế, hành vi vi phạm pháp luật này được cảnh báo rằng đang ngày càng mở rộng ở những nước có ngành công nghệ mới bước đầu phát triển như Việt Nam.

Nếu việc rửa tiền thành công thì tội phạm làm sinh lợi từ số tài sản phạm tội mà có, trở thành nơi ẩn náu an toàn cho số tài sản có nguồn gốc phi pháp, không minh bạch, làm gia tăng nhiều tội phạm khác và nạn tham nhũng. Việt Nam dễ thành mục tiêu cho các tổ chức tội phạm rửa tiền quốc tế do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng.

Theo Cục Cảnh sát kinh tế, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), tội phạm rửa tiền phổ biến nhất ở Việt Nam là tuồn tiền “bẩn” từ nước ngoài về để hợp pháp hóa, chuyển sang tiền “sạch”.

Đồng thời, một bộ phận tội phạm trong nước đã sử dụng số tiền này lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy... “rửa” bằng cách mua bất động sản, chuyển cho người thân, đầu tư vào các dự án, hợp đồng kinh tế “ma”. Việc rửa tiền không chỉ được tiến hành qua ngân hàng, mà qua rất nhiều kênh như chứng khoán, bất động sản, đánh bạc ở casino... Trên thực tế, các chiêu thức rửa tiền ngày càng tinh vi và khó phát hiện, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao như thẻ tín dụng.

Rửa tiền, hành vi nhức nhối khó trị dứt điểm - Ảnh 1

Tại các ngân hàng Việt Nam, ngoài nguy cơ rửa tiền từ các giao dịch chuyển tiền điện tử thì các giao dịch chuyển tiền trực tiếp cũng rất dễ xảy ra do hệ thống quản trị rủi ro, phòng chống rửa tiền của các ngân hàng chưa hoàn thiện, một số ngân hàng áp dụng hệ thống cập nhật, theo dõi, lọc giao dịch chưa thật chuẩn xác, đồng bộ theo chuẩn quốc tế. Thêm vào đó, chính nhân viên ngân hàng trong quá trình giao dịch cũng chưa mấy quan tâm đến vấn đề này.

Lý giải về tình trạng trên, các chuyên gia tư vấn quản trị rủi ro nước ngoài nhấn mạnh đến hai nguyên nhân cơ bản: thứ nhất, phần lớn tổ chức tài chính, tín dụng ở Việt Nam vẫn còn chủ quan, chưa đánh giá hết tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp phòng chống rửa tiền, cho rằng đó chưa thực sự là vấn đề thiết thân, đem lại giá trị lợi nhuận cho ngân hàng; thứ hai là do áp lực về chi phí đặc biệt là với các ngân hàng nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam cộng thêm việc không bắt buộc chứng minh nguồn gốc dòng tiền, thêm vào đó là tình trạng sở hữu chéo chằng chịt trong các ngân hàng tại Việt Nam cũng khiến việc phát hiện tội phạm rửa tiền thêm khó khăn.

Luật Phòng chống rửa tiền đã đi vào hoạt động, nhưng ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Nhiều nhà băng hiện nay còn thiếu sự đào tạo nâng cao nhận thức cho nhân viên.

Thực tế, nhiều cán bộ công nghệ thông tin giỏi về lĩnh vực công nghệ nhưng chưa hiểu rõ về phòng, chống rửa tiền và lúng túng trong việc lựa chọn phần mềm hỗ trợ phòng chống rửa tiền. Ngoài ra, ngân sách dành cho đầu tư công nghệ thông tin còn rất hạn chế. Với những ngân hàng đã triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống rửa tiền chủ yếu quan tâm tới mục tiêu bảo đảm an toàn giao dịch hoặc sử dụng phần mềm phòng, chống rửa tiền sai mục đích...

Do đó, hệ thống công nghệ thông tin của các nhà băng cần đồng bộ hóa và nâng cấp hệ thống theo hướng đáp ứng đúng quy định của pháp luật, phân tích giao dịch, hỗ trợ sàng lọc, nhận biết khách hàng, báo cáo, lưu trữ thông tin…

Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tài chính cần nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống rửa tiền; trong đó chú ý danh sách cảnh báo, danh sách đen, danh sách cấm vận quốc tế; chú ý tới những báo cáo,  giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ....

Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chia sẻ một số kinh nghiệm về các phương thức phòng chống rửa tiền. Một chuyên gia của Nhật Bản cho rằng cần chú trọng tăng cường nghĩa vụ xác nhận khách hàng, mở rộng phạm vi báo cáo như yêu cầu bằng chứng của việc thực hiện nghĩa vụ xác nhận khách hàng, mở rộng đối tượng báo cáo đối với các loại hình giao dịch và các hành vi liên quan đến rửa tiền; thiết  lập và quản lý hệ thống theo dõi liên tục, theo dõi các mẫu giao dịch của khách hàng.

Ngoài ra, cần tăng chế tài, tiền phạt đối với các cơ quan tài chính không tuân thủ quy định, báo cáo giao dịch đáng ngờ, thiết lập hình phạt nặng với cán bộ và nhân viên vi phạm.

Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 18/6/2012 đã quy định rất rõ về hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố. Luật cũng hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng chống rửa tiền và một trong số đó là dấu hiệu nhận biết các giao dịch đáng ngờ trong trong lĩnh vực ngân hàng được hướng dẫn chi tiết tại điểm 3, điều 22, mục II với 12 dấu hiệu nổi bật, cụ thể:

a) Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không;

b) Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo;

c) Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường;

d) Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh;

đ) Tài khoản của khách hàng không giao dịch trên một năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý; tài khoản của khách hàng không giao dịch đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền có giá trị lớn;

e) Chuyển số tiền lớn từ tài khoản của doanh nghiệp ra nước ngoài sau khi nhận được nhiều khoản tiền nhỏ được chuyển vào bằng chuyển tiền điện tử, séc, hối phiếu;

g) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được vốn đầu tư hoặc chuyển tiền ra nước ngoài không phù hợp với hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được tiền từ nước ngoài chuyển vào tài khoản mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

h) Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn;

i) Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng;

k) Khách hàng yêu cầu vay số tiền tối đa được phép trên cơ sở bảo đảm bằng hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần ngay sau khi thanh toán phí bảo hiểm, trừ trường hợp tổ chức tín dụng yêu cầu;

l) Thông tin về nguồn gốc tài sản sử dụng để tài trợ, đầu tư, cho vay, cho thuê tài chính hoặc uỷ thác đầu tư của khách hàng không rõ ràng, minh bạch;

m) Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch.

N.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục