Quỹ lợi nhuận lên tới 40.000 tỷ đồng, Techcombank 10 năm vẫn không chia cổ tức

Techcombank dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận năm 2022 lên đến 27.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng này đã 10 năm không chia cổ tức bằng tiền mặt trong và không chia cổ tức trong 3 năm gần nhất.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Theo đó, năm 2022, ngân hàng này dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021.

Trong công bố tài liệu phục vụ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ban lãnh đạo Techcombank dự kiến trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 với việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Quỹ lợi nhuận lên tới 40.000 tỷ đồng, vì sao Techcombank 10 năm không chia cổ tức?.
Quỹ lợi nhuận lên tới 40.000 tỷ đồng, vì sao Techcombank 10 năm không chia cổ tức?.

Cộng với hơn 26.743 tỷ đồng chưa sử dụng của các năm trước, lợi nhuận tích lũy có thể phân phối của Techcombank dự kiến tăng lên gần 40.137 tỷ đồng.

Đây cũng là vấn đề cổ đông đưa ra chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng trong các đại hội gần đây.

Nếu được được thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt và là năm thứ tư liên tiếp không chia cổ tức. 

Lần gần nhất, Techcombank chia cổ tức với hình thức cổ phiếu là năm 2018. Lúc bấy giờ, Techcombank là quán quân về mức chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ phát hành 200%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận thêm 2 cổ phiếu thưởng. Mục đích phát hành nhằm chia sẻ lợi ích với cổ đông qua việc chia sẻ lợi nhuận để lại trong 3 năm 2015, 2016 và 2017, từ thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Sau phát hành, vốn điều lệ Techcombank tăng lên gấp 3 lần.

Đợt phát hành này được thực hiện chỉ sau một thời gian ngắn Techcombank chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HOSE vào cuối tháng 5/2018.

Năm 2022, Techcombank vẫn tiếp tục có kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu TCB với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho người lao động. Sau giao dịch, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 63 tỷ đồng, đạt trên 35.172 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết đối tượng tham gia chương trình ESOP năm nay sẽ bao gồm lao động nước ngoài, dẫn tới sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng. Do đó, Techcombank đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4724% lên 22,4595%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Techcombank cũng dự kiến trình cổ đông thông qua đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Đỗ Tuấn Anh với lý do cá nhân và tránh các xung đột lợi ích không cần thiết đối với ngân hàng.

Trước đó, ông Tuấn Anh đã có đơn từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng. Hiện ông đang là Tổng giám đốc Tập đoàn KDI Holdings, doanh nghiệp do cựu chủ tịch Sacombank - ông Kiều Hữu Dũng - thành lập và làm chủ tịch. KDI Holdings gần đây cũng chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản với 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang và Quảng Ninh.

Trên thị trường hiện nay, cổ phiếu TCB của Techcombank đang ở vùng giá 49.000 đồng/cổ phiếu, không có nhiều biến động mạnh từ đầu năm đến nay nên được các công ty chứng khoán xếp vào cổ phiếu đầu tư dài hạn.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Techcombank ước tính đạt 27.900 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong khi năm 2021, ngân hàng này tăng trưởng tới hơn 47% lên 23.238 tỷ đồng. Theo SSI, nguyên nhân tăng trưởng chậm lại do thị trường trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt và biên lợi nhuận (NIM) giảm 19 điểm cơ bản.

Ngoài ra, Techcombank còn là ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản lớn, nên SSI cho rằng, ngân hàng này còn chịu tác động khi tăng trưởng thị trường bất động sản chậm hơn và tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn ước tính, cùng với đó là chi phí hoạt động (CIR) có thể tăng 31% so ngân hàng tiếp tục đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và số hóa.

Ngọc Diễm

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục