Quý II của PVOIL: Doanh thu tăng hơn 50%, lợi nhuận giảm gần 50%

Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL, UPCom: OIL) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024.

Theo đó, doanh thu OIL tăng mạnh 56% lên 34.757 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng mạnh 58,5%, lên gần 33.676 tỷ đồng. Do vậy, lãi gộp đi ngang, đạt 1.080 tỷ đồng. Doanh thu tài chính trong kỳ đi lùi 29% còn 169 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí bán hàng tiếp tục neo cao với 721 tỷ đồng, tăng 10%; chi phí tài chính tăng 41% lên 145 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 20% xuống 261,5 tỷ đồng. Sau cùng, doanh nghiệp lãi ròng 79 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2023.

Giải trình kết quả kinh doanh, PVOIL cho biết thời gian điều hành giá cơ sở được điều chỉnh từ 10 ngày/lần (quý II/2023) xuống còn 7 ngày/lần (quý II/2024). Do vậy, dù giá xăng dầu thế giới biến động theo hướng giảm như cùng kỳ nhưng tốc độ giảm giá bán tại kỳ này diễn ra nhanh hơn, khiến lãi gộp hẹp đi đáng kể.

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VNĐ tại quý II/2024 tăng cao hơn so với cùng kỳ, khiến chi phí tài chính tăng lên vì lỗ tỷ giá. Do vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp đi lùi.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVOIL vẫn ghi nhận doanh thu tăng cao với gần 64.383 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 338,2 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại ngày 30/6/2024, Tổng tài sản của PVOIL giảm nhẹ so với đầu năm, còn gần 37.593 tỷ đồng, với gần 32.000 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, giảm 4% Hàng tồn kho tăng 17%, lên 4.872 tỷ đồng.

Bên nguồn vốn, hầu hết nợ phải trả là nợ ngắn hạn, 25.564 ngàn tỷ đồng, giảm 6% so với hồi đầu năm. Hệ số thanh toán nhanh và thanh toán hiện hành đều trên 1 lần.

Bên cạnh đó, PVOIL còn có khoản nợ phải thu khó đòi là 863,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Các khoản nợ xấu khó đòi của PVOIL trong quý II/2024
Các khoản nợ xấu khó đòi của PVOIL trong quý II/2024

Về nợ vay, phần lớn là nợ vay ngắn hạn với giá trị 7.341 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Ngoài ra, PVOIL có gần 90 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Doanh nghiệp không thuyết minh chi tiết về các khoản vay này.

Trên thị trường chứng khoán, hiện nay cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP vẫn tiếp tục duy trì diện cảnh báo với lý do "Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên",

Trong một diễn biến khác đáng lưu ý, hồi đầu năm, kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý nhà nước về kinh doanh dầu chỉ ra nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc được quy định tại Nghị định 83. Trong đó, có vi phạm của PVOIL.

Theo đó, Công ty con của PVOIL đã mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các đơn vị thành viên khác thuộc PVOIL với 87.801m3 xăng dầu, các công ty con của PVOIL đã bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối khác là 131.162 m3/tấn.

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm đã được nêu trong kết quả và Kết luận thanh tra.

Tiểu Vy

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục